Xã hội

Nhiều đổi mới về thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Lê Bảo 20/11/2023 19:04

Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), trước đây, người dân đi khám chữa bệnh BHYT thì cần xuất trình thẻ BHYT có ảnh, trường hợp không có ảnh thì phải xuất trình kèm theo một trong các giấy tờ tuỳ thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp. Tuy nhiên theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Nghị định 75) đã có nhiều đổi mới trong thủ tục khám chữa bệnh BHYT.

Nghị định 75 quy định một nội dung rất quan trọng, đó là thay đổi phương thức thanh toán dịch vụ khám chữa bệnh BHYT. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về nội dung này?

Ông Lê Văn Phúc

Nghị định bỏ quy định tổng mức thanh toán BHYT đối với các cơ sở khám chữa bệnh. Thay vào đó, sẽ thực hiện thanh toán theo giá dịch vụ thực tế mà cơ sở khám chữa bệnh triển khai.

Tổng mức thanh toán được hiểu là giới hạn chi quỹ BHYT của cơ sở khám chữa bệnh trong thời gian 1 năm. Mức này được căn cứ vào mức chi của năm trước cộng với chi phí tăng, giảm của năm sau.

le-van-phuc.jpg
Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam Lê Văn Phúc.

Trước đây, khi áp dụng phương thức thanh toán BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh theo tổng mức thanh toán này, chi phí BHYT mà cơ sở khám chữa bệnh được thanh toán luôn thấp hơn chi phí khám chữa bệnh thực tế, do nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng, đặc biệt sau dịch COVID-19. Vì vậy, nhiều cơ sở khám chữa bệnh không được thanh toán BHYT đầy đủ. Trong ba năm 2019 - 2021, chi phí khám chữa bệnh phát sinh ở các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước chưa được thanh toán BHYT khoảng 7.000 tỷ đồng.

Với Nghị định 75, các dịch vụ khám chữa bệnh BHYT sẽ được thanh toán theo nhu cầu thực tế, tức là cơ sở khám chữa bệnh cung cấp dịch vụ nào, thuốc, hoá chất, vật tư gì… thì sẽ được thanh toán thứ đó.

Theo đó, hằng năm, BHXH Việt Nam sẽ phải lập dự toán chi khám chữa bệnh BHYT, thông qua Hội đồng quản lý và gửi Bộ Tài chính, sau đó trình Chính phủ ban hành dự toán cho BHXH Việt Nam. Trên cơ sở này, BHXH Việt Nam sẽ giao 90% số thu BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh. BHXH các địa phương sẽ thông báo số ước chi khám chữa bệnh BHYT của các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo Nghị định 75 khi khám chữa bệnh BHYT, người dân cần xuất trình giấy tờ gì; nếu quá lịch hẹn tái khám thì sẽ được giải quyết như thế nào... là một số nội dung được các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước rất quan tâm. Ông có thể nói rõ hơn về những vấn đề này?

Trước đây, người dân đi khám chữa bệnh BHYT thì cần xuất trình thẻ BHYT có ảnh, trường hợp không có ảnh thì phải xuất trình kèm theo một trong các giấy tờ tuỳ thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.

Nghị định 75 quy định, khi khám chữa bệnh BHYT, người dân có 3 lựa chọn gồm: xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân hoặc sử dụng căn cước công dân có gắn chip.

Đối với giấy hẹn khám lại, nếu như trước đây quy định loại giấy tờ này chỉ dùng trong 10 ngày thì với quy định mới, nếu không thể tái khám đúng hẹn, người dân có thể liên hệ với cơ sở khám chữa bệnh để đăng ký lại lịch khám phù hợp. Trường hợp đến tái khám muộn hơn 10 ngày thì giấy này không còn giá trị sử dụng. Người dân phải đăng ký khám mới lại.

Ngày 19/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Nghị định này có nhiều điểm mới theo hướng tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao cho các cơ quan liên quan, đặc biệt là ngành BHXH Việt Nam trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT theo quy định.

Lê Bảo