Giáo dục

Cần xem xét lại tuyển sinh đại học bằng IELTS?

Nguyễn Hoài 03/03/2024 15:41

Không riêng tuyển sinh vào lớp 10, hiện nhiều trường đại học dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển bằng IELTS hoặc chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác.

PV Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với chuyên gia giáo dục - TS Vũ Thu Hương về việc tuyển sinh ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hiện nay.

W_z5206149089659_d3861e42eeb4710d4476f1fdc121c42d.jpg
Chuyên gia giáo dục - TS Vũ Thu Hương.

Phóng viên: Yêu cầu không sử dụng chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh vào lớp 10 của Bộ GDĐT vẫn đang nhận nhiều ý kiến trái chiều. Quan điểm của bà thế nào trước yêu cầu này?

TS Vũ Thu Hương: Tôi ủng hộ yêu cầu của Bộ GDĐT. Thực tế, khi phong trào tiếng Anh phát triển rộng thì các địa phương, trường học nhận thấy đây là cơ hội mà họ có thể tuyển sinh, chọn lọc học sinh có năng lực về tiếng Anh. Tuy nhiên, tiếng Anh chỉ là một ngoại ngữ, một kỹ năng cần thiết nhưng không phải là kỹ năng tối quan trọng. Kỹ năng này chỉ là một phần nhỏ trong một đứa trẻ. Trong khi đó, để hình thành một con người phải tổ hợp kiến thức của nhiều môn học không phải chỉ có môn Tiếng Anh.

Không riêng môn Tiếng Anh, hiện có nhiều trường xét tuyển dựa trên một số môn học, như: có trường xét và tuyển thẳng học sinh giỏi môn Toán. Hiện tượng này cũng khá nhiều như một phong trào dẫn đến các em đổ xô, đầu tư thời gian, công sức vào một môn học nào đó mà bỏ qua các môn học khác.

Phải thừa nhận rằng, Việt Nam học để thi. Hiện trạng này chưa thể cải thiện được. Như vậy, quy định tuyển sinh dựa vào một môn học nhất định nào đó đều có tác động làm kéo lệch việc học hành của học sinh.

Thế nên, tôi cho rằng, việc điều chỉnh để không môn học nào là quan trọng nhất và chiếm tỉ trọng cao trong các kỳ thi là điều hoàn toàn nên làm.

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GDĐT không nên cấm tuyển thẳng vào lớp 10 bằng IELTS mà thay vào đó nên quy định theo ngưỡng điểm hoặc giao chỉ tiêu xét tuyển phù hợp. Bà có đồng tình với đề xuất này?

- Chúng ta không nên đặt nặng tầm quan trọng của môn này cao hơn môn học kia trong giáo dục phổ thông. Bởi giáo dục phổ thông mang tính đại trà và tạo nền tảng kiến thức của học sinh phải xây dựng trên tất cả các môn học. Tôi rất ủng hộ việc mỗi một năm học, kỳ thi vào lớp 10 sẽ thi một môn nhất định. Như vậy năm nay, môn thi sẽ khác các năm khác và chắc chắn học sinh sẽ học đều các môn, còn nếu chỉ tập trung vào một số môn nhất định thôi thì sẽ dẫn tới tình trạng học lệch.

W_img_2355.jpg
Thí sinh trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Hiện giờ, hầu hết các địa phương đều tổ chức thi 3 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Chỉ có một số địa phương thì tổ chức thi thêm môn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội nhưng những địa phương này đều luôn nhận sự phản đối của phụ huynh. Như vậy, bản thân phụ huynh cũng đang suy nghĩ về việc học của con khá lệch.

Thế nên, tôi nghĩ rằng nếu việc tuyển sinh dựa vào một môn học là bất cập thì chúng ta nên dừng lại để điều chỉnh chứ không nên quy định "mở" theo ngưỡng điểm hoặc giao chỉ tiêu xét tuyển như câu hỏi phóng viên đặt ra. Bởi như vậy, tỉ lệ học sinh tập trung vào môn Tiếng Anh vẫn rất cao.

Nhiều phụ huynh, học sinh bày tỏ sự tiếc nuối khi Bộ GDĐT yêu cầu dừng tuyển thẳng vào lớp 10 bằng IELTS trong khi họ đã đầu tư nhiều thời gian, công sức để có “tấm vé thông hành” này. Bà có lời khuyên nào cho học sinh thời điểm này?

- Thực ra, khi học một môn học nào đó, chúng ta nên quan tâm tới việc môn học đó mang lại giá trị cho bản thân chứ không chỉ phục vụ một kỳ thi. Một lần học là một lần biết và chúng ta cần điều chỉnh suy nghĩ: “Học để thi”.

Thế nên, học sinh và phụ huynh không nên thất vọng hay tiếc nuối trước quy định của Bộ GDĐT. Thay vào đó, học sinh cần xây dựng kế hoạch cụ thể, bù khuyết những thiếu sót kiến thức ở những môn học khác mà thời gian qua xem nhẹ để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới.

Không riêng tuyển sinh vào lớp 10, hiện nhiều trường đại học dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển bằng IELTS hoặc chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác. Việc sử dụng chứng chỉ tiếng Anh để tuyển sinh có cần xem xét lại không, thưa bà?

- Tôi còn nhớ vào thời điểm Bộ GDĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với mục đích 2 chung: vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa tuyển sinh đại học, tôi đang là giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và được giao phụ trách bộ môn tổng hợp lại kiến thức Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội cho tân sinh viên. Khi ấy, tôi khá giật mình bởi kiến thức của các em kém hơn rất nhiều so với các em khóa trước. Đấy là hiện tượng có thể nhận thấy ngay trước mắt là các em học để thi.

Do vậy, việc tuyển sinh chỉ dựa vào 1, 2 môn học cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt ở một số ngành nghề đào tạo đặc thù cần kiến thức của một số môn học chuyên sâu. Tôi lấy ví dụ như ngành Y cần sinh viên có kiến thức về môn Hóa học hoặc Sinh học nhưng nếu tuyển sinh ngành học này mà dựa vào trình độ tiếng Anh thì sẽ không thể chọn được thí sinh có kiến thức môn Hóa và Sinh. Thậm chí, trường học đó có thể chọn phải những sinh viên học rất kém 2 bộ môn này. Như vậy sẽ dẫn tới tình trạng khi các em vào học sẽ gặp khó khăn và sẽ đẩy tỉ lệ sinh viên bỏ học giữa chừng tăng cao. Và đây là một thực tế đang tồn tại ở nhiều trường đại học.

Do vậy, việc tuyển sinh dựa vào môn nào, các trường phải cân nhắc kỹ. Tôi nghĩ rằng, việc tuyển sinh dựa vào điểm IELTS chỉ phù hợp với các ngành học liên quan tới tiếng Anh, còn với ngành nghề khác thì chắc chắn sinh viên sẽ gặp khó khăn. Như vậy, các trường sẽ đẩy khó khăn từ phía mình sang phía sinh viên và thậm chí làm nhiều em lỡ dở việc học.

Trân trọng cảm ơn bà!

Nguyễn Hoài