Làm sao thu hồi tài sản bị Vạn Thịnh Phát chiếm đoạt?
Trước ngày xét xử “đại án” tiêu cực xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), vấn đề Trương Mỹ Lan (SN 1956, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các đồng phạm khắc phục hậu quả vụ án như thế nào đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Khối tài sản “khủng” của gia tộc họ Trương
Theo dự kiến, Tòa án nhân dân TPHCM sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm vào ngày 5/3. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng đã cơ bản xác định nguồn tài sản của các bị cáo để khắc phục hậu quả. Cụ thể, các cơ quan tiến hành tố tụng đã rà soát, phân loại xử lý bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm theo các tội danh cụ thể, tương ứng với vị trí, vai trò, số lượng, tính chất, mức độ hành vi và trách nhiệm dân sự trong bồi thường thiệt hại của vụ án đối với từng bị cáo. Trong đại án tiêu cực này, bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố về 3 tội danh “tham ô tài sản”, “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Trong đó, bị cáo này được xác định có vai trò chính, gây thiệt hại và chiếm đoạt hàng trăm nghìn tỷ đồng của SCB.
Để xác định nguồn gốc tài sản mà gia tộc họ Trương thâu tóm và chiếm đoạt, phải quay lại thời điểm kể từ khi bị cáo Trương Mỹ Lan xây dựng những mắt xích đầu tiên của “vòi bạch tuộc” Vạn Thịnh Phát. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định, kể từ thời điểm năm 1992 khi bà Trương Mỹ Lan thành lập Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát hoạt động trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng - khách sạn. Liên tiếp thời gian sau đó, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát mở rộng ra nhiều lĩnh vực hoạt động, với việc kết nạp vào “vòi bạch tuộc” hàng loạt công ty con, như: CTCP Vạn Thịnh Phát, CTCP Đầu tư An Đông, CTCP Đầu tư Time Square, Công ty Tập đoàn Sài Gòn Penisula,... Chính các mắt xích này, về sau đã trở thành nhóm các công ty chuyên liên kết đầu tư bất động sản ăn sâu, bám rễ vào nhóm cổ đông của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Cũng từ đây, hàng loạt tài sản của Vạn Thịnh Phát do bị cáo Trương Mỹ Lan thao túng, đã được thâu tóm, như: Khách sạn Thương mại An Đông - Windsor Plaza Hotel, Cao ốc căn hộ cao cấp Sherwood Residence, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton, Union Square... Liên tiếp thời gian sau đó cho đến khi cơ quan chức năng chặn đứng tiêu cực, Vạn Thịnh Phát còn sở hữu hàng loạt bất động sản vị trí “vàng” ở nhiều nơi, như: Khu dân cư Bonville Land, Khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence, Thuận Kiều Plaza; nhà hàng cà phê Central Nguyễn Huệ, nhà hàng Hữu Nghị và nhà hàng Đức Bảo, đều nằm ở trung tâm TPHCM...
Cơ quan chức năng xác định, Vạn Thịnh Phát còn thao túng thị trường tài chính, với việc thâu tóm Ngân hàng SCB, Công ty chứng khoán Tân Việt, CTCP Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú. Trong đó, Ngân hàng SCB được xem là tổ chức chính cấp vốn cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, sau đó trở thành mục tiêu chính cho bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt hàng trăm nghìn tỷ đồng của SCB.
Thu hồi tài sản từ “đại án” Vạn Thịnh Phát
Nội dung cáo trạng xác định, bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm, trong đó có 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và nhiều cựu lãnh đạo SCB đang bị truy nã, là đối tượng chính gây thiệt hại và chiếm đoạt hàng trăm nghìn tỷ đồng của SCB.
Đối với bị cáo Trương Mỹ Lan mặc dù không giữ chức vụ gì trong Ngân hàng SCB nhưng do nắm 91,5% cổ phần SCB (cho cá nhân, pháp nhân khác đứng tên) nên thực tế bị cáo này có vai trò chính chi phối, chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB. Nội dung cáo trạng cáo buộc, bị cáo Trương Mỹ Lan là Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng thời là chủ các công ty con trong hệ sinh thái “vòi bạch tuộc” Vạn Thịnh Phát. Xuyên suốt trong các sai phạm của “đại án” này, bị cáo Lan đã tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại SCB. Đồng thời, cho thành lập các đơn vị thuộc SCB nhằm vào mục đích cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bị cáo này. Bị cáo Trương Mỹ Lan còn đóng vai trò chính trong việc chỉ đạo thành lập các công ty “ma” dưới quyền mình nhằm tạo lập hồ sơ vay khống; cấu kết với các công ty liên quan tạo lập khoản vay, từ đó chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của SCB.
Theo cáo trạng, đến ngày 17/10/2022, còn khoảng 1.284 hồ sơ vay, tương đương dư nợ 677.286 tỷ đồng không có khả năng thu hồi (nợ gốc 483.971 tỷ đồng, lãi/phí 193.315 tỷ đồng). Riêng số nợ gốc của bị cáo Trương Mỹ Lan đã chiếm 93% tổng dư nợ tại SCB. Sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo các khoản vay, bị cáo Trương Mỹ Lan được xác định đã tham ô tài sản hơn 304.000 tỷ đồng nợ gốc và hơn 129.000 tỷ đồng lãi suất phát sinh từ nợ gốc (sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay).
Như vậy, tính đến trước ngày xét xử vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm liên quan giúp sức cho bị cáo này đã gây thiệt hại và chiếm đoạt tổng cộng số tiền lên đến gần 498.000 tỷ đồng.
Hiện nay, cơ sở để thu hồi số tiền thiệt hại của vụ án là các tài sản đã được các cơ quan tiến hành tố tụng tạm giữ, cũng như áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác nhằm đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của các bị cáo liên quan trong vụ án.
Ngày 19/2/2024, Cục Thi hành án dân sự TPHCM đã ban hành quyết định thành lập Tổ tiếp nhận vật chứng để tiếp nhận các vật chứng trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm (giai đoạn 1). Riêng trong giai đoạn điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 590 tỷ đồng và gần 15 triệu USD; thu giữ nhiều tài sản từ gia đình bị cáo Trương Mỹ Lan và các cá nhân tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả.
Đáng chú ý, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu ruột của bị cáo Trương Mỹ Lan) đã trả cho SCB số tiền hơn 1,063 tỷ đồng và 3.000 USD; và Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric - chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan) trả số tiền 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Ngay cả một trong những đồng phạm tiếp tay cho bị cáo Trương Mỹ Lan là bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền tổng giám đốc SCB) đến nay cũng đã trả 9,85 triệu cổ phần SCB để khắc phục hậu quả.