Phát huy vai trò truyền cảm hứng của doanh nghiệp nhà nước
Ngày 3/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiêu biểu toàn quốc, phát động phong trào thi đua triển khai nhiệm vụ năm 2024, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo TP Hà Nội, TPHCM, cùng 130 DNNN tiêu biểu trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2023 đã đi qua trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam, trong đó có khó khăn của DN nói chung, DNNN nói riêng.
Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, cụ thể, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của người dân, DN, trong đó có đóng góp quan trọng của DNNN, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế, kinh tế - xã hội nước ta đạt kết quả quan trọng, toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, là điểm sáng của kinh tế toàn cầu.
Chính phủ xác định năm 2024 là năm tăng tốc để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, do đó Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thảo luận, phân tích tình hình, đánh giá kết quả, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức hoàn thành nhiệm vụ của năm và thời gian tới.
Các bên liên quan cần xác định và phát huy vai trò dẫn dắt, tạo động lực, truyền cảm hứng của DNNN đối với nền kinh tế; khai thác hiệu quả tài sản, nguồn lực mà DNNN đang nắm giữ; làm mới động lực cũ về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.
Đồng thời, cần thúc đẩy các động lực mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; chăm lo, đảm bảo đời sống của cán bộ, viên chức, người lao động; đảm bảo an sinh xã hội; cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển; thúc đẩy hợp tác với đối tác nước ngoài…
Thủ tướng mong muốn các DNNN tham gia sâu hơn vào thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng.
Đặc biệt, các bộ, ngành, DN nghiên cứu thực hiện tái cấu trúc về quản trị, tài chính, đầu vào, chuỗi cung ứng của DN... phát triển các DNNN thực sự là thành phần kinh tế chủ đạo của nền kinh tế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2023, Việt Nam có 676 DNNN (478 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 DNNN nước nắm giữ cổ phần chi phối), hiện diện ở nhiều ngành, lĩnh vực có vai trò, vị trí quan trọng của nền kinh tế.
Đến đầu năm 2023, tổng tài sản của DNNN trên toàn quốc đạt 3.821.459 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu của DNNN nước đạt 1.807.999 tỷ đồng. Tổng giá trị vốn Nhà nước đang đầu tư tại các DN này là 1.699.125 tỷ đồng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng hợp số liệu của 605/676 DNNN gửi báo cáo, ước tính kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 cơ bản hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.
Trong số đó, tổng doanh thu là 1.652.442 tỷ đồng; tổng lãi phát sinh trước thuế đến cuối năm 2023 là 125.847 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế và các khoản phải nộp ngân sách là 166.218 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận sau thuế phát sinh phải nộp ngân sách năm 2023 là 60.275 tỷ đồng, đạt 110% so với kế hoạch phê duyệt…
Tuy vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của DNNN vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Một số DN bị thua lỗ; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các DN quy mô lớn còn hạn chế. Việc đổi mới quản trị DN trong điều hành sản xuất kinh doanh còn chậm. Các dự án mới của DNNN được triển khai và thực hiện còn ít, hiệu quả đầu tư chưa đạt như kỳ vọng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho hay, trong năm 2024 Agribank tiếp tục cân đối để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ hỗ trợ khách hàng, nhất là DN; cải tiến, đơn giản hóa thủ tục, quy trình cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời, chủ động triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các DN phục vụ cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.