Thương lái bỏ cọc, nông dân lao đao
Những ngày qua, tại Đồng bằng sông Cửu Long giá bán lúa sau thu hoạch giảm xuống từng ngày, có nơi giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán. Điều này đã và đang ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của nông dân, nhưng đáng ngại hơn là tình trạng thương lái “bẻ kèo”.
Lúa chín vàng đồng, giá hạ cũng phải bán
Những ngày qua nông dân ở tỉnh Bạc Liêu đang bước vào thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2023 – 2024. Vụ lúa này tỉnh xuống giống hơn 45.000ha, tập trung tại các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Phước Long và thị xã Giá Rai.
Thời tiết thuận lợi cộng với nông dân nắm vững kỹ thuật sản xuất, tuân thủ lịch thời vụ nên năng suất lúa đạt cao. Tuy nhiên, việc giá lúa sụt giảm so với cách đây khoảng 1 tháng không chỉ ảnh hưởng lợi nhuận của nông dân mà còn kéo theo tình trạng thương lái bẻ kèo, không thu mua dù đã đặt cọc từ trước.
Tại huyện Hồng Dân, hàng nghìn héc - ta vụ Đông Xuân đang đến kỳ thu hoạch, lúa trĩu hạt, vàng đồng, hứa hẹn vụ mùa bội thu, vậy nhưng nông dân lại kém vui. Nguyên nhân là bởi giá lúa giảm nên thương lái bỏ cọc, hoặc nếu có mua thì ở mức thấp, nông dân thiệt hại không nhỏ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Út (ấp Xóm Tre, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) gieo sạ 1,3ha giống lúa Đài Thơm 8, vừa thu hoạch. Trước đó, thương lái cọc 9.000 đồng/kg. Tuy nhiên, gần đây giá lúa giảm nên thương lái chỉ mua 7.800 đồng/kg. Với mức giá này, theo ông Út vẫn đảm bảo lời hơn vụ Đông Xuân năm ngoái, tuy nhiên rõ ràng là một tin kém vui.
Ông Út cho biết, khi lúa chưa trổ đòng, thông qua cò (người đại diện của thương lái) đồng ý thu mua lúa với giá 9.000 đồng/kg, cùng với đó là đặt cọc mỗi công (1.000m2) 200.000 đồng. Tuy nhiên, gần đến ngày thu hoạch, thương lái đề nghị gia đình thỏa thuận giảm giá lúa xuống còn 8.000 đồng/kg. Thấy lúa đang đà giảm giá, ông đồng ý. Vậy nhưng đến khi cân lúa, thương lái tiếp tục giảm thêm 200 đồng/kg, còn 7.800 đồng/kg.
“Thương lái đòi bỏ cọc ở thời điểm lúa đến ngày thu hoạch khiến gia đình tôi trở tay không kịp, đành chịu bán giá thấp hơn giá nhận cọc 1.200 đồng/kg. Với sản lượng gần 13 tấn lúa, gia đình giảm lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng” - ông Út nói.
Nhiều nông dân khác hiện cũng rơi vào tình cảnh bị thương lái bỏ cọc ở thời điểm lúa sắp đến kỳ thu hoạch. Đẩy bà con nông dân vào thế “bất khả kháng”, đành chấp nhận bán với giá thấp, bởi kéo dài thời gian thu hoạch sẽ chịu rủi ro, thiệt hại đôi khi lớn hơn tiền đặt cọc.
Những hộ nông dân chưa đến kỳ thu hoạch lúa cũng đang đứng ngồi không yên. Ông Trần Minh Lý (ấp Xóm Tre, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) cho biết, khoảng 1 tháng trước, thương lái hợp đồng mua lúa của gia đình với giá 8.700 đồng/kg và đã đặt tiền cọc. Tuy nhiên, vào tuần trước, thương lái thông báo chỉ mua được với giá 7.800 đồng/kg do giá lúa đang sụt giảm.
“Vẫn biết giá thị trường thì khó đoán định, nhưng khi tăng hay giảm cũng cần phải có mức thỏa thuận hợp lý, tránh để người nông dân bị thiệt hại nhiều quá. Ruộng nhà tôi mấy hôm nữa thu hoạch, không biết họ có hạ nữa không”- ông Lý lo lắng nói.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, thương lái đến từ huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, là người có nhiều năm thu mua lúa trên địa bàn huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu cho biết, gần một tháng qua, giá lúa Đông Xuân ở ĐBSCL giảm mạnh và chưa có chiều hướng dừng lại. Do đó, chị cũng như nhiều thương lái khác buộc phải thỏa thuận lại giá thu mua với nông dân. Đây là việc không mong muốn.
Một thương lái thu mua lúa ở huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ, nói thương lái không giữ chữ tín trong việc mua bán lúa không hoàn toàn đúng. Chúng tôi hoàn toàn không mong muốn bỏ cọc hoặc ép giá bà con nông dân. Tuy nhiên, do giá lúa liên tục giảm mạnh từ Tết đến nay, nếu cứ thu mua theo giá cọc thì sẽ thua lỗ nặng.
Cần phải siết lại chuỗi liên kết tiêu thụ
Ông Võ Minh Huy – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu cho biết, các doanh nghiệp thu mua lúa đều đặt cọc cho nông dân từ trước Tết. Khi giá lúa sụt giảm thì có hiện tượng một số công ty bỏ cọc. Tuy nhiên, cũng có một số công ty, doanh nghiệp thoả thuận, thương lượng với nông dân mỗi bên chịu lỗ một ít. Đây là phương án được người nông dân đồng tình.
Những năm qua, nông dân canh tác lúa quen thuộc với 2 từ “cò lúa”, bởi thông qua lực lượng trung gian này, người dân và thương lái có thể mua bán lúa một cách nhanh chóng. Thông thường thương lái có nhu cầu mua lúa với số lượng lớn nhưng không đủ nhân lực để tổ chức thu mua trực tiếp, còn nông dân thì sản xuất nhỏ lẻ nên rất khó tìm đầu ra sản phẩm khi kết thúc vụ mùa.
Nắm bắt được nhu cầu thực tế trên, cò lúa xuất hiện, bên cạnh những mặt lợi thì cũng có nhiều vụ việc tiêu cực, gây hệ lụy xấu từ cò lúa. Không ít cò lúa lợi dụng sự biến động của thị trường để “làm giá” khiến nông dân thua thiệt.
Ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá lúa Đông Xuân liên tục giảm, dẫn đến việc thương lái bỏ cọc. Tình trạng này đã diễn ra lâu nay tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điều đó thể hiện sự lỏng lẻo trong việc liên kết tiêu thụ nông sản. Qua khảo sát của Sở NNPTNT cùng chính quyền các địa phương, ở vụ lúa Đông Xuân 2023 – 2024, hầu hết nông dân chấp nhận bán lúa theo giá mới do thương lái đưa ra, thấp hơn 1.200 - 1.500 đồng/kg với giá nhận cọc từ trước. Điều này, cũng có nghĩa là nông dân thất thu khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/tấn lúa so với hợp đồng ban đầu.
Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo, nông dân cần cẩn trọng, cân nhắc hơn khi thỏa thuận bán lúa. Đồng thời khuyến khích sản xuất thông qua hình thức hợp tác, liên kết với các hợp tác xã để có hợp đồng bao tiêu chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro cho bà con nông dân.