Thị trường lao động khởi sắc
Thông thường, sau Tết Nguyên đán, lao động “nhảy việc”, nghỉ việc luôn là vấn đề thách thức của các doanh nghiệp. Thế nhưng, sau Tết năm nay, bước vào tháng 3, phản ánh từ các doanh nghiệp cho thấy, tình hình lao động khá ổn định. Nguyên nhân là do ngay từ đầu các doanh nghiệp đã có những giải pháp quan tâm, giữ chân người lao động.
Chia sẻ về tình hình sản xuất đầu năm, ông Trần Việt Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Thăng Long TALIMEX cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa thể đoán định thị trường ra sao nhưng có một điều rất yên tâm đó là nguồn nhân lực ổn định.
Giảm dần tình trạng lao động “nhảy việc”
Ông Dũng cho biết, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, 100% công nhân công ty đã có mặt đầy đủ. Có được điều này, theo ông Dũng, trong năm 2023 dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, công ty vẫn nỗ lực thực hiện các giải pháp vượt khó, đảm bảo đủ việc làm, thu nhập cho người lao động với bình quân 8,8 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ chính sách đối với người lao động được thực hiện đầy đủ. Ban lãnh đạo công ty phối hợp chặt chẽ quan tâm đời sống, thực hiện tốt chế độ đãi ngộ, chăm lo chu đáo Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho người lao động …
“Được chăm lo chu đáo, đầy đủ, người lao động trong công ty an tâm, phấn khởi. Sau kỳ nghỉ Tết, 100% công nhân đã trở lại làm việc, không có tình trạng biến động lao động tại doanh nghiệp (DN). Đây cũng là nhân tố quan trọng để DN có thể vượt khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động như hiện nay” - ông Dũng chia sẻ.
Tương tự, ông Lê Anh Sang - Giám đốc Công ty cổ phần Halas Việt Nam cũng cho biết, năm 2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song lãnh đạo DN và Công đoàn luôn phối hợp chặt chẽ thực hiện các giải pháp đảm bảo việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động; đồng thời quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn…Với đặc thù của ngành dịch vụ chuyên về giặt là, người lao động trong công ty phải làm việc xuyên Tết, lãnh đạo Công ty và Ban Chấp hành Công đoàn cũng đã phối hợp lập kế hoạch, chia ca kíp, chăm lo, động viên, chi lương, thưởng, bồi dưỡng kịp thời. Nhờ đó sau Tết, 100% người lao động đã có mặt tại công ty để bước vào một năm lao động và sản xuất mới.
Đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cũng cho thấy, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc sau Tết của các DN cao hơn nhiều so với các năm trước, tình trạng công nhân nhảy việc đã giảm đáng kể. Đây là tín hiệu tốt, cho thấy chính sách đãi ngộ của DN đã phát huy hiệu quả rõ nét, khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài.
Từ góc độ người lao động, chị Nguyễn Thị Thu, công nhân may ở Tập đoàn may mặc TAL Vĩnh Phúc chia sẻ, với người lao động, chính sách phúc lợi, sự động viên quan tâm từ lãnh đạo, công ty có ý nghĩa rất lớn. Trong năm qua dù công ty gặp nhiều khó khăn, lương của công nhân chưa cao nhưng công ty vẫn luôn có chính sách phúc lợi đầy đủ cho người lao động. “Vì vậy, dù đầu năm nhiều công ty khác tuyển mới với chính sách lương cao hơn nhưng tôi vẫn quyết định gắn bó với nơi mình đang làm việc” – chị Thu nói, đồng thời cho biết thêm: “15 năm đi làm công nhân tôi cũng “nhảy việc” không ít. Thực sự cực chẳng đã mới buộc phải thay đổi công việc vì mỗi lần chuyển công ty là một lần bấp bênh, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bị gián đoạn. Vì thế, nếu chính sách đãi ngộ tốt chúng tôi sẽ gắn bó lâu dài với công ty, thậm chí sẵn sàng chia sẻ nếu DN gặp khó khăn về đơn hàng hoặc do yếu tố thị trường”.
Lý giải nguyên nhân xu hướng “nhảy việc” sau Tết giảm so với cùng kỳ các năm trước, các chuyên gia lao động cũng cho rằng, hiện nay tiền lương giữa các DN cùng ngành không còn sự chênh lệch quá lớn. Nhiều công ty đưa ra chính sách chăm lo, khuyến khích người lao động làm việc lâu dài, nhất là các đãi ngộ căn cơ đối với đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, vì vậy họ chọn gắn bó lâu dài thay vì tìm bến đỗ mới.
Hướng đến đào tạo nghề mới nổi
Thực tế cho thấy, nhiều tín hiệu tích cực của thị trường lao động những tháng đầu năm 2024 và dự báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi khi số người có việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm so với đầu năm, nhu cầu tuyển dụng của đa số ngành có xu hướng tăng trưởng. Thị trường lao động ổn định cũng là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế bắt đầu phục hồi và phát triển trở lại.
Bộ LĐTBXH dự báo, thị trường lao động quý I của năm 2024 là 51,7 triệu người có việc làm, tăng 217.000 người so với quý trước. Dự báo 3 ngành nghề có nhu cầu tăng việc làm là sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 1,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 1,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,6%. Những ngành nghề có thể giảm việc làm là in, sao chép bản ghi các loại, giảm 13%; hoạt động xây dựng chuyên dụng giảm 5,4% và sản xuất thiết bị điện, giảm 3,2%.
Báo cáo triển vọng thị trường lao động 2024 của Navigosgroup (Tập đoàn tuyển dụng tại Việt Nam) cho biết, những việc làm mới dần xuất hiện trong giai đoạn 2023 - 2024, tập trung vào trí tuệ nhân tạo, AI, công nghệ kỹ thuật số, phân tích dữ liệu, phân tích tình hình kinh doanh. Trong đó các công việc liên quan đến lĩnh vực AI và xử lý dữ liệu đang xuất hiện hầu hết trong các ngành nghề như công nghệ thông tin, viễn thông, xây dựng, bất động sản, ngân hàng, giáo dục, dịch vụ tài chính, tư vấn.
Theo ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương, nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn khoảng 25 - 30 nghìn lao động. Trong đó tập trung vào nhóm lao động có tay nghề và lao động phổ thông. Các lĩnh vực như da giày, gỗ, may mặc… có đơn hàng trở lại nên nhu cầu tập tuyển dụng tập trung nhiều ở các lĩnh vực này.
Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, dù giảm doanh thu, lợi nhuận eo hẹp do khó khăn chung nhưng nhiều DN vẫn duy trì đủ việc làm cho người lao động, thực hiện tốt chính sách an sinh, tiền lương, thưởng. Do vậy, sau kỳ nghỉ Tết vừa qua, người lao động tại các DN quay trở lại làm việc với tỷ lệ cao hơn so với mọi năm rất nhiều. Từ giáp Tết đến nay thị trường lao động ở Hà Nội đã sôi động và đa dạng về phân khúc tuyển dụng. Điều này thể hiện ở các phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội, luôn thu hút nhiều DN tham gia tuyển dụng lao động với số lượng lớn để làm việc toàn thời gian và bán thời gian.
Mặc dù thị trường lao động đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực song theo TS Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cơ quan chức năng cần phải thay đổi cách tiếp cận về chính sách, an ninh việc làm cho người lao động theo hướng gia tăng các quy định bảo vệ người lao động để tạo sự bình đẳng đối với mọi người và họ có thể dễ dàng dịch chuyển việc làm từ khu vực này sang khu vực khác, từ chính thức sang phi chính thức, từ nhà nước sang tư nhân mà không sợ mất đi sự bảo vệ.
Để đảm bảo thị trường lao động thông suốt cũng như đáp ứng nhu cầu của DN, đặc biệt là vấn đề chất lượng, năng suất lao động, mới đây Bộ LĐTBXH đã có chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực đào tạo các ngành, lĩnh vực mới nổi, như trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, chuyển đổi năng lượng, tín chỉ carbon…
Thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐTBXH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã văn bản số 351 gửi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những ngành nghề mới, kỹ năng mới. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực tổ chức đào tạo các ngành, lĩnh vực mới nổi, ngành nghề mới, kỹ năng mới, bao gồm: trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, chuyển đổi năng lượng, tín chỉ carbon, năng lượng hydrogen, logistics, đường sắt cao tốc, du lịch…
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, việc đẩy mạnh và tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao về các ngành nghề mới, nổi trội như: sản xuất chíp bán dẫn, hydrogen, tín chỉ carbon…là chìa khóa để xây dựng thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại và hội nhập.
Giới chuyên gia nhận định, thị trường lao động từ lâu đã được xếp ngang với những thị trường trọng yếu của nền kinh tế như thị trường vốn, bất động sản… Việc phát triển thị trường lao động chất lượng có vai trò quan trọng, phản ánh rõ nét bức tranh nền kinh tế của đất nước. Vì vậy, không thể “thả nổi” cho thị trường lao động tự do phát triển, chỉ chú trọng đào tạo những gì chúng ta có hoặc có lợi thế, mà cần có hệ thống, chiến lược phù hợp với nhu cầu, chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.