Đơn hàng phục hồi rõ nét
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết trong quãng thời gian nửa đầu tháng 2, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm đạt 354 triệu USD (trong đó sản phẩm gỗ đạt 217 triệu USD).
Doanh nghiệp có đơn hàng đến tháng 6
Tính chung từ đầu năm đến 15/2, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt kim ngạch hơn 1,82 tỷ USD (trong đó sản phẩm gỗ đạt hơn 1,24 tỷ USD), tăng tới 50,3% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 600 triệu USD).
Ngành gỗ là một trong những ngành chịu nhiều thiệt hại trong năm 2023. Nhưng từ cuối năm 2023 đến đầu 2024 đã dần có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ TPHCM (HAWA) đánh giá, thị trường xuất khẩu của đồ gỗ Việt Nam có tín hiệu phục hồi rõ nét. Cụ thể, theo ông Khanh, tại nhiều doanh nghiệp (DN) đơn hàng đã phục hồi khoảng 90%, có DN đã có đơn hàng đến tháng 5. Tất nhiên, đi kèm với đó là những yêu cầu ngày càng khắt khe từ khách hàng về các tiêu chuẩn, mẫu mã trong khi giá cả phải cạnh tranh hơn.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch HAWA cũng nhận định, việc thị trường bất động sản tại Hoa Kỳ đang có dấu hiệu ấm lên là tín hiệu rất tốt cho thị trường nội thất. Nếu không có biến động quá lớn về địa chính trị, nhu cầu sẽ có chiều hướng tăng trưởng tốt trong những tháng tới. Bên cạnh đó, nhiều thị trường khác như Ấn Độ, Trung Đông cũng đang có tiềm năng rất lớn cho DN Việt Nam.
Ngành dệt may cũng đang trong trạng thái tích cực tương tự. Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư – Thương mại – Dệt may Thành Công cho hay, tình hình đơn hàng sản xuất đã có sự cải thiện những tháng gần đây. Ông Tùng tin rằng năm nay tình hình sẽ tốt hơn năm 2023, lượng đơn hàng sẽ phục hồi cho dù không mạnh mẽ như trước thời điểm dịch Covid-19.
Hiện nay, Công ty cổ phần Đầu tư – Thương mại – Dệt may Thành Công (TCM) gần như đã chạy hết công suất trở lại khi đã nhận khoảng 98% đơn hàng cho quý I và bắt đầu đón nhận những đơn hàng của quý II/2024.
Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nhận định, với triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cũng như dự báo tình hình kinh tế Việt Nam, ngành dệt may đưa ra mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023 là khả thi.
Sở dĩ nhận định như vậy là bởi theo ông Tài, nhiều nhà sản xuất dệt may quốc tế đã và đang mở rộng hoạt động sang Việt Nam, thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa vốn đã phát triển mạnh mẽ. Điều này cho thấy Việt Nam có thế mạnh nhất định trong lĩnh vực dệt may. Hơn nữa, việc là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như RCEP, CPTPP, EVFTA… tiếp tục là những nền tảng tích cực cho sự phát triển của ngành trong thời gian tới.
Chủ động tìm kiếm khách hàng
Để tìm lại được các đơn hàng, nhiều DN cũng đã chủ động tìm kiếm khách hàng mới, thị trường mới. Ông Phạm Danh Mạnh - Giám đốc sản xuất, Công ty TNHH Thắng Lợi (VICO) ở Nam Định cho biết, công ty đã có đơn hàng đến hết tháng 3/2024. Về dài hạn, cũng còn phụ thuộc vào nhu cầu đặt hàng của khách, bởi DN chuyên về sản phẩm cơ khí nên cần có thời gian để đặt hàng và thử nghiệm. Đơn cử như khách hàng ở Nhật Bản hiện dự báo khoảng 7 container; có khách hàng thì dự báo khoảng 100 tấn/tháng.
“Sản phẩm công nghiệp có tín hiệu tích cực, đơn hàng đều ngay từ những tháng đầu năm đã tạo động lực cho các DN sản xuất. Bên cạnh đơn hàng ký đến hết tháng 3/2024, DN đã chủ động tìm kiếm mở rộng khách hàng tại các thị trường mới như năm 2023 đã ký được hợp đồng với khách hàng ở Bắc Ireland và Jordani… DN tiếp tục đầu tư mở rộng thị trường để đa dạng khách hàng hơn nữa trong thời gian tới” - ông Mạnh nói.
Để hỗ trợ các DN xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ DN tận dụng cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các FTA. Đồng thời, tăng cường hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN.
Trong khi đó theo các DN, hội chợ triển lãm là kênh xúc tiến thương mại hiệu quả nhất hiện nay. Không chờ đợi khách hàng đưa mẫu, các DN đã chủ động tạo mẫu mã mới, đa dạng hóa sản phẩm, tích cực đi tìm hiểu thị trường, gặp gỡ khách hàng và tiếp thị sản phẩm. Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ (HAWA) cho biết, thời gian qua HAWA tự tổ chức hội chợ, nâng quy mô hội chợ lớn hơn, tham gia nhiều hội chợ ở nước ngoài. Nhờ tích cực tìm hiểu và đáp ứng thị hiếu thị trường, tham gia hội chợ, triển lãm chuyên ngành trong lẫn ngoài nước mà nhiều DN hội viên HAWA tìm được cơ hội giới thiệu sản phẩm, kết nối tham gia chuỗi cung ứng, đổi mặt hàng, đổi thị trường.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM, hoạt động sản xuất, thương mại trong 2 tháng đầu năm 2024 của thành phố đã có những tín hiệu tích cực. Hai ngành hàng khó khăn nhất trong năm 2023 là dệt may và đồ gỗ thì sang năm 2024 nhiều doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng đến tháng 6.