Đãi ngộ và sứ mệnh người thầy thuốc
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021-2030. Trong đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 33 giường bệnh và 15 bác sĩ trên 10.000 dân. Số dược sĩ là 3,4 và 25 điều dưỡng trên 10.000 dân. Theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2023, số bác sĩ trên 10.000 dân của Việt Nam là 12,5 (so với năm 2020 là 9,81 bác sĩ/10.000 dân).
Với dân số 100 triệu người, Việt Nam hiện có khoảng 125.000 bác sĩ. Tỉ lệ giường bệnh trên 10.000 dân của nước ta là 32, tính đến hết năm 2023. Trong khi đó, năng lực đào tạo bác sĩ trên cả nước vào khoảng hơn 10.000 người tốt nghiệp/năm.
Nhiều năm qua, việc thiếu hụt đội ngũ y bác sĩ tiếp tục diễn ra, trong lúc dân số gia tăng. Trong khi đó, số y bác sĩ ra trường hàng năm không nhiều. Đáng chú ý hơn, đó còn là việc cả nước có nhiều cơ sở đào tạo ngành y nhưng đầu vào khác nhau, chương trình đào tạo khác nhau dẫn đến chuẩn đầu ra khác nhau, chất lượng trong hoạt động chuyên môn của đội ngũ cũng khác nhau. Thực tế cho thấy, bác sĩ tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội hay Y Dược TPHCM ra trường xin việc dễ, trong khi một số trường khác lại rất khó.
Thời gian để đào tạo một bác sĩ kéo dài hơn cử nhân ở các ngành khác. Sau đó, họ còn phải mất thêm thời gian thực hành để hoàn thiện tay nghề tại bệnh viện. Vì thế, việc thiếu nguồn bổ sung cộng với việc nhiều y bác sĩ chuyển nghề, bỏ nghề là rất đáng lo ngại.
Tới nay, làn sóng y bác sĩ chuyển việc, thôi việc đã dừng lại. Ngành Y tế đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, chúng ta vẫn khó có thể quên con số 9.680 nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc chỉ trong vòng 18 tháng (thống kê của Bộ Y tế từ ngày 1/1/2021 - 30/6/2022, trong tham luận với chủ đề “Phục hồi thị trường lao động y tế: Thực trạng và giải pháp”, gửi đến Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022, ngày 18/9/2022).
Cụ thể, trong số 9.680 nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc có 3.094 bác sĩ; 2.874 điều dưỡng; 551 kỹ thuật y; 276 hộ sinh; 593 dược; 2.280 viên chức khác. Trong số này có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của các sở Y tế các tỉnh, thành phố và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.
Các tỉnh, thành phố có số lượng nhân viên y tế chuyển việc, thôi việc, bỏ việc cao là TPHCM (2.035), Hà Nội (1.032), Đồng Nai (496), Bình Dương (368), An Giang (297), Long An (266), Đà Nẵng (248), Cần Thơ (238), Đồng Tháp (204).
Lý do y bác sĩ chuyển việc, thôi việc đã được phân tích kỹ. Trong đó, nổi lên là cường độ làm việc, áp lực công việc lớn nhưng đãi ngộ thấp. Một tính toán cho thấy, một bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương gần 3,5 triệu đồng/tháng. Cộng cả phụ cấp ưu đãi nghề 40% thì mức thu nhập cũng không tới 5 triệu đồng/tháng (chưa trừ nộp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế).
Nhận định của Bộ Y tế, đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc bỏ việc tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn.
Việc chăm sóc sức khỏe nhân dân là sứ mệnh của ngành Y tế. Điều đó cũng chính là sự ưu việt của chế độ. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ y bác sĩ vì thế phải được coi trọng, nhất là với cán bộ y tế phường/xã. Đó là lực lượng y tế gần dân nhất, có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe ban đầu, cũng như thực hiện công tác y tế dự phòng trên địa bàn.
Trở lại với mục tiêu quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021 - 2030, đến năm 2025 đạt 15 bác sĩ trên 10.000 dân là nhiệm vụ nặng nề khi thời gian không còn nhiều. Tuy nhiên, số lượng phải đi cùng chất lượng, mà điều đó thì chỉ ngành Y mới làm được. Chăm lo cho ngành Y, cho đội ngũ y bác sĩ cũng là lo “từ sớm, từ xa” cho sức khỏe của chính chúng ta.
Nhân đây xin được nhắc lại luận điểm nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Sức khỏe và thể dục”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 199, ngày 27/3/1946: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt. Mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”.