Gỡ nút thắt để thúc đẩy sản xuất công nghiệp
Số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2/2024 ước tính giảm 18% so với tháng trước và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%). Trong đó, ngành khai khoáng giảm 3,5%, làm giảm 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9%, đóng góp 5,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,2%, đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm.
Xét trên thực tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo không còn duy trì được vai trò là động lực chính của tăng trưởng như các năm trước đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo năm 2023 ước tăng 3,08%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế so với các năm trước đó. Trong khi đó, hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2024 còn gặp rất nhiều khó khăn cả trong nước và quốc tế.
Cuối tuần qua, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ rõ, tình hình sản xuất kinh doanh trong một số doanh nghiệp (DN) còn nhiều khó khăn (một trong những nguyên nhân chính liên quan tới nguồn vốn); sản xuất công nghiệp một số lĩnh vực, một số nơi phục hồi chậm. Do đó, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất công nghiệp, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, sản xuất công nghiệp hiện đang khó khăn ở 3 vấn đề lớn gồm: tài chính do DN thiếu vốn; thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp lại; và các chính sách.
Về vấn đề vốn, ông Hiếu nhìn nhận, do khó khăn từ năm ngoái, các ngân hàng cho vay ở mức tín dụng thấp. Ngay 2 tháng đầu năm 2024 cũng ở mức thấp do không đẩy được vốn tín dụng do nhiều DN không có khả năng vay vốn, hay còn được gọi là sức hấp thụ của nền kinh tế yếu. “Các DN khó khăn trong đầu ra do không bán được hàng, doanh thu không có, lợi nhuận không có nên khó khăn trong việc vay ngân hàng, trong khi vay không sinh lời, cũng như không có tài khoản thế chấp” - ông Hiếu nêu vấn đề.
Từ đó, ông Hiếu cho rằng Chính phủ cần thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh cho các ngân hàng, từ đó các ngân hàng cho DN vay. Nếu dựa vào sức của DN thì hiện nhiều DN yếu, không có khả năng để vay. Cho nên cách giải quyết về vốn cho DN dứt khoát phải có Quỹ Bảo lãnh tín dụng quốc gia.
Về vấn đề đầu ra, theo ông Hiếu, cần hỗ trợ các DN trong tìm kiếm thị trường mới cho chính mình trong nội địa cũng như nước ngoài để xuất khẩu. Và cần rất nhiều nguồn hỗ trợ cho DN từ Chính phủ, các ngân hàng, cho đến chính bản thân các DN cũng phải “tự cứu mình”.
TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm là do vấn đề đầu ra. Một số ngành như dệt, may mặc, gỗ còn có hợp đồng xuất khẩu với bên ngoài và có tăng trưởng. Còn toàn ngành công nghiệp thì nhiều ngành tăng trưởng thấp như khai khoáng.
Ông Lâm cho biết, “đầu ra” quốc tế khó có thể tác động được mà chỉ có thể nắm bắt thị trường để tìm kiếm cơ hội. Còn thị trường trong nước do sức mua yếu nên Chính phủ cần có giải pháp kích cầu tiêu dùng. “Ví dụ như Mỹ trong những năm bị dịch Covid-19 họ cho mỗi người vài trăm USD, mỗi hộ gia đình là mấy nghìn USD. Ngay lúc đó họ không tiêu dùng gì vì nhu cầu không nhiều. Nên đến năm 2023 họ bắt đầu tiêu. Nói ví dụ đó để thấy vai trò rất quan trọng của Chính phủ trong thực hiện các giải pháp về tài khoá, hỗ trợ, trợ cấp một phần chính sách tiền tệ cho vay tín dụng để tiêu dùng rất quan trọng để kích cầu tiêu dùng tại thị trường trong nước. Ngoài ra cần các chương trình an sinh xã hội cho người tiêu dùng như khuyến mại, giảm giá đến 50% để kích cầu tiêu dùng” - ông Lâm nói và đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ DN trong tìm kiếm thăm dò thị trường bên ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ cần mở các thị trường mới như năm vừa qua Chính phủ đàm phán với Trung Quốc xuất khẩu rau quả chính ngạch nên xuất khẩu rau quả trong năm qua tăng trưởng rất mạnh, không bị ùn ứ ở biên giới.
Về vấn đề vốn, theo ông Lâm, cần có các chính sách giãn, hoãn thuế; bồi hoàn lại thuế VAT cho DN một cách kịp thời để có vốn lưu chuyển trong sản xuất kinh doanh.