Cảnh giác với “giặc lửa”
Những ngày gần đây, cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Hiện đang là cao điểm mùa khô, đặc biệt khu vực phía Nam đang trải qua những ngày nắng nóng bất thường nên nguy cơ dẫn đến cháy nổ là rất lớn. Nhiều vụ cháy xảy ra ngay từ đầu năm 2024 là lời cảnh báo nghiêm khắc và cũng là lời nhắc nhở luôn phải cảnh giác với “giặc lửa”.
Tại TPHCM, trong vòng 2 tháng qua, đã xảy ra nhiều vụ cháy. Mới đây nhất, chiều ngày 3/3, sau một tiếng nổ lớn, xưởng sản xuất nệm rộng khoảng 2.000m2 ở ấp 1 (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) bốc cháy dữ dội. Ngọn lửa lan rộng tạo cột khói cao hàng chục mét kèm theo nhiều tiếng nổ. Trước đó, ngày 1/3 và 2/3 trên địa bàn TPHCM tại quận 6 và quận 7, đã xảy ra 2 vụ cháy nhà dân, tuy không gây thiệt hại về người nhưng cũng đã khiến dân chúng hoảng loạn.
Đáng chú ý, chỉ trong vòng 1 tuần của tháng 2, TPHCM đã xảy ra 15 vụ cháy.
Cháy còn xảy ra tại nhiều địa phương khác trong cả nước. Tại Hà Nội, ngày 3/3, cháy nhà xưởng của một công ty sản xuất thiết bị điện tại thôn Thái Bình (xã Mai Lâm, huyện Đông Anh). Trước đó một ngày, ngày 2/3, cháy xảy ra tại số nhà 10 và 12 tổ dân phố 17 (phường Phú Lương, quận Hà Đông).
Không chỉ cháy nhà dân, xưởng sản xuất mà còn xảy ra các vụ cháy rừng, trong đó có vụ cháy gần 10.000m2 rừng thông nằm trong Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) ngày 25/2 và vụ cháy ở khu vực rìa rừng Vườn quốc gia Phú Quốc (thuộc địa bàn ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc, Kiên Giang), cũng vào ngày 25/2. Trước đó, ngày 19/2, xảy ra vụ cháy rừng quốc gia Hoàng Liên tại thôn Séo Mý Tỷ (xã Tả Van, thị xã Sa Pa, Lào Cai)...
Những ngày qua, nắng nóng gay gắt đã khiến nhiều khu rừng ở miền Tây Nam Bộ phải đặt trong tình trạng cảnh báo cháy cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Tại Cà Mau, nắng hạn kéo dài cùng với nắng nóng, gió mạnh đã khiến hơn 45.000ha đất rừng U Minh Hạ và rừng trên các cụm đảo có nguy cơ cháy cao. Trong đó hơn 21.000ha nằm ở mức cảnh báo cháy từ cấp 3 (cấp cao); hơn 2.000ha rừng đang được cảnh báo cấp cháy nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.
Nắng nóng làm các kênh mương trong vùng khô cạn. Trên toàn lâm phần rừng tràm Cà Mau đã bố trí tới 73 chòi quan sát .
Cháy nổ có thể bất ngờ xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, mùa hanh khô, nắng nóng thì nguy cơ cháy càng cao. Ngày 15/2/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 05, yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC); tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC, cứu nạn, cứu hộ cho người dân và các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn.
Thực tế cho thấy, các vụ cháy bất kể lớn hay nhỏ cũng đều gây hậu quả lớn. Công tác PCCC luôn được chính quyền, cơ quan chức năng đôn đốc, nhắc nhở nhưng ý thức của người dân, chủ doanh nghiệp vẫn rất hạn chế. Từ đó, các nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cháy nổ vẫn không được loại trừ. Trong các khu vực dân cư, nhất là tại các con hẻm, nhiều hộ gia đình có mua bình dập lửa, kể cả thang dây thoát nạn, nhưng mua cũng chỉ để cho có, rất hình thức. Các cơ sở sản xuất cũng trong tình thế tương tự, trang bị chủ yếu mang tính đối phó với cơ quan chức năng. Các cuộc diễn tập chữa cháy tại nhiều đơn vị cũng rất qua loa, không thực chất.
Trách nhiệm PCCC không chỉ của riêng lực lượng chức năng, mà trước hết phải là của chính mỗi người, mỗi cơ quan, doanh nghiệp. Phải nêu cao cảnh giác, phải biết sợ “giặc lửa”, không đợi đến khi cháy mới ngồi lại kiểm điểm, tìm nguyên nhân, kể cả có quy trách nhiệm đi chăng nữa. Như vậy thì cũng đều đã quá muộn.
Ý thức PCCC là trách nhiệm của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng. Nếu mỗi người cùng có ý thức thì những thiệt hại do cháy nổ sẽ giảm rất nhiều. Do vậy, cần phải tạo được chuyển biến cơ bản về nhận thức từ cá nhân, các hộ gia đình và cơ quan quản lý về PCCC. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nắng nóng đến sớm và kéo dài, khô hạn xảy ra tại nhiều địa phương thì nhận thức ấy càng phải được đề cao hơn.
“Giặc lửa” đến không bao giờ báo trước. Nhưng nguy cơ rình rập của nó thì cũng không khó nhận biết. Vấn đề là có thực sự ý thức và hành động để loại bỏ những nguyên nhân ấy hay không mà thôi.