Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: 'Nam Định cần tìm lối đi riêng để thành địa chỉ đáng đầu tư'
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu gợi ý trên khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024, do UBND tỉnh Nam Định tổ chức chiều 6/3.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tới đại diện Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh.
“3 vùng động lực, 4 cực tăng trưởng, 5 hành lang kinh tế”
Theo công bố, Quy hoạch xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030 tỉnh Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trong những trung tâm phát triển quan trọng của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng; phát triển tỉnh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực (công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, đô thị và nông thôn; thúc đẩy phát triển khu vực biển, ven biển trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh).
Đến năm 2050, Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của Vùng đồng bằng sông Hồng, có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại.
Quy hoạch tỉnh Nam Định xác định tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh theo mô hình tổ chức không gian “3 vùng động lực, 4 cực tăng trưởng, 5 hành lang kinh tế”.
Trong đó, 3 vùng kinh tế động lực gồm vùng đô thị TP Nam Định mở rộng; vùng nông nghiệp-nông thôn (các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh); vùng kinh tế biển (các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường).
4 trung tâm đô thị động lực gồm: đô thị trung tâm với TP Nam Định mở rộng là hạt nhân và các đô thị đối trọng, vệ tinh (thị trấn Nam Giang và đô thị Cao Bồ); trung tâm đô thị Thịnh Long - Rạng Đông (thị trấn Rạng Đông, thị trấn Quỹ Nhất, thị trấn Thịnh Long và Khu kinh tế Ninh Cơ); trung tâm đô thị Cao Bồ (gồm thị trấn Lâm, đô thị 4 xã và thị trấn Bo thuộc huyện Ý Yên); trung tâm đô thị Giao Thủy (thị trấn Quất Lâm, thị trấn Giao Thủy, đô thị Đại Đồng).
5 hành lang kinh tế gồm: hành lang quốc lộ 10 (thành phố Nam Định - Cao Bồ), là hành lang động lực chủ đạo của tỉnh; hành lang Cao tốc Bắc Nam nối dài (Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông), là hành lang phát triển động lực chủ đạo của tỉnh; hành lang kinh tế ven biển (Nghĩa Hưng - Hải Hậu - Giao Thủy), là hành lang phát triển động lực chủ đạo; hành lang quốc lộ 21 và tuyến đường từ TP Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy, là hành lang phát triển động lực thứ cấp đến năm 2030 và chủ đạo đến năm 2050; hành lang tuyến cao tốc CT.08 (Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng), là hành lang phát triển động lực thứ cấp đến năm 2030 và chủ đạo đến năm 2050.
Quy hoạch cũng xác định tập trung phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ trở thành khu vực tạo động lực thúc đẩy mang tính đột phá của tỉnh, là một trung tâm kinh tế biển phát triển, có cảng biển tổng hợp và cơ sở hạ tầng đồng bộ, có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Khu kinh tế này được quy hoạch rộng 13.950 ha, thuộc 2 huyện ven biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu, giai đoạn sau năm 2030 nghiên cứu phát triển hướng ra biển (lấn biển).
Quy hoạch xác định tiếp tục khai thác 6 KCN đã được thành lập ở tỉnh Nam Định (Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh, Bảo Minh mở rộng, Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận) và phát triển thêm 10 KCN mới.
Ngoài các đô thị hiện hữu (TP Nam Định và các thị trấn ở các huyện) địa bàn tỉnh sẽ hình thành thêm 10 đô thị mới, loại V.
"Trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm, đáng sống"
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhìn nhận Quy hoạch tỉnh Nam Định có mối liên kết chặt chẽ, hữu cơ với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng.
"Để triển khai hiệu quả quy hoạch, tỉnh cần rút ra các bài học phát triển của các địa phương trong vùng; tiếp tục đổi mới, sáng tạo, phát huy nội lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng tốt thời cơ, tìm ra lối đi riêng để Nam Định trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm, đáng sống", Phó Thủ tướng gợi ý. Ông đánh giá tỉnh Nam Định vốn là địa bàn đi trước về phát triển công nghiệp nhưng những năm qua lại đi chậm hơn so với một số tỉnh trong vùng.
Nhìn nhận điểm nghẽn về kết nối giao thông của Nam Định đã được khắc phục khi nhiều dự án giao thông trọng điểm kết nối Nam Định với các trung tâm phát triển đã và đang được triển khai, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng đây là cơ hội lớn để tỉnh thu hút đầu tư vào các Khu kinh tế, Khu Công nghiệp ở tỉnh. Đặc biệt, với nguồn nhân lực chất lượng cao, tiềm năng lớn về năng lượng sạch, tỉnh Nam Định cần lựa chọn những ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tri thức có giá trị gia tăng cao. Chú trọng tạo các nguồn lực từ chính quy hoạch tỉnh thông qua việc phát triển hệ sinh thái kinh tế đô thị-công nghiệp-dịch vụ để phát triển hạ tầng...
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch; thực hiện nghiêm công tác quản lý quy hoạch, tận dụng tối đa nguồn lực trong thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị cho biết, chính quyền tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ.
"Tỉnh Nam Định cam kết sẽ dành những điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh; sự thành công của doanh nghiệp cũng chính là sự thành công của tỉnh", ông Phạm Đình Nghị nói.
Tại hội nghị lãnh đạo tỉnh Nam Định đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 dự án đầu tư vào tỉnh với số vốn đăng ký gần 420 triệu USD; ký bản ghi nhớ đầu tư với 9 nhà đầu tư khác.
Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao công tác hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong những năm qua; mong muốn tinh thần này sẽ được chính quyền tỉnh phát huy, thực hiện hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Nam Định là tỉnh nằm ở trung tâm vùng nam Đồng bằng sông Hồng và thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ, rộng hơn 1.668 km2; dân số khoảng 2 triệu người; có 1 thành phố, 9 huyện; có đường bờ biển dài 72 km, phái đông bắc giáp tỉnh Thái Bình, tây nam giáp tỉnh Ninh Bình, tây bắc giáp tỉnh Hà Nam, đông nam giáp Vịnh Bắc Bộ. Những năm qua, khu vực ven biển của tỉnh được Trung ương và tỉnh đầu tư phát triển mạnh về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, có nhiều dự án kinh tế lớn đang được triển khai.