Thực hiện luật Đất đai 2024: Tránh tạo thêm thủ tục hành chính
Luật Đất đai 2024 đã hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất với nhiều quy định mới, trong đó có quy định về đất nông nghiệp. Nhưng quan trọng là cần triển khai để đưa luật vào cuộc sống.
Đó là nhận định được đưa ra tại tọa đàm “Đưa quy định mới về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống” diễn ra ngày 6/3 do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức.
Nhiều điểm mới
Tại tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, vấn đề nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa tại Luật Đất đai 2024 đã có một số thay đổi, cho phép đối tượng cá nhân không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa. Trong hạn mức thì cơ bản có thể tự do, giao dịch không có điều kiện, nhưng nếu nhận vượt hạn mức thì cá nhân phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.
Bên cạnh đó, nâng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân, hiện nay là không quá 15 lần so với hạn mức giao đất nông nghiệp. Luật quy định trần là 15 lần nhưng các địa phương tuỳ vào tình hình để có thể áp dụng trần thấp hơn hoặc bằng theo quy định của luật, tuỳ vào hoàn cảnh thực tế của địa phương.
Ông Hiếu cũng cho biết, Luật Đất đai 2024 cũng đã “luật hoá” 2 khái niệm, đó là tích tụ và tập trung đất nông nghiệp. Quy định cơ chế khuyến khích việc tích tụ và tập trung đất nông nghiệp để phục vụ cho sản xuất với quy mô lớn, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Luật chỉ quy định 7 trường hợp khi chuyển mục đích sử dụng đất thì phải làm thủ tục xin phép, còn các trường hợp khác khi sử dụng đất thì không phải xin phép mà chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai. “Tinh thần này phải được hướng dẫn tại các nghị định, việc yêu cầu thêm 1 thủ tục nào đó là không phù hợp với tinh thần của luật, bởi luật đã yêu cầu giảm thiểu các thủ tục giấy tờ” - ông Hiếu nói.
Ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Việt Nam là nước nông nghiệp, nên các chính sách của Đảng, nhà nước rất quan tâm tới nông nghiệp, phát triển nông thôn, đặc biệt là bảo đảm an ninh lương thực. Chính sách đất đai rất quan trọng trong sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Ông Bình cũng cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 222 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai. Trong đó xác định lộ trình cụ thể để bảo đảm Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng cơ quan, bộ ngành, chính quyền địa phương. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật Đất đai.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng, những quy định mới về nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024 thể chế hoá đầy đủ chủ trương đường lối của Đảng, nhà nước liên quan đến đất nông nghiệp, tác động lớn đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Ví như các quy định liên quan đến chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp, hay tăng hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp lên 15 lần chính là quy định để tạo cho người dân có quyền thuận lợi hơn trong sử dụng đất nông nghiệp, hướng tới sản xuất nông nghiệp lớn, tránh tình trạng sử dụng đất manh mún.
“Nhất là quy định cá nhân không trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp nhưng vẫn được quyền chuyển nhượng đất nông nghiệp khi có vốn, khả năng khoa học công nghệ kỹ thuật. Đây là quy định quan trọng để khuyến khích tổ chức cá nhân có tiềm lực đầu tư vào đất nông nghiệp tạo điều kiện đất nông nghiệp hoạt động hiệu quả hơn” - bà Phương nhấn mạnh.
Tháo gỡ nhiều điểm nghẽn
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (Trường Đại học Luật Hà Nội) đánh giá, những quy định mới về đất nông nghiệp của Luật Đất đai 2024 đã tháo gỡ được các điểm nghẽn pháp lý, và phát huy nguồn lực đất đai, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận đất đai cho các tổ chức, cá nhân; cho phép tổ chức cá nhân không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp cũng được nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp.
“Tất cả mọi hoạt động của con người đều diễn ra từ đất, trực tiếp hoặc gián tiếp, liên quan đến 118 luật, và trực tiếp đến hơn 20 luật và lợi ích của tất cả các chủ thể trong xã hội. Cho nên văn bản hướng dẫn thực hiện cần cụ thể, chi tiết, phù hợp với thực tế thì mới triển khai được luật, và đòi hỏi việc các văn bản hướng dẫn thực hiện cần thống nhất đồng bộ. Ví như đất nông nghiệp sử dụng đa mục đích vậy thế nào là đa mục đích? Chế độ sử dụng của nó như thế nào? Thủ tục ra sao?” - ông Tuyến nêu vấn đề và đề nghị các văn bản hướng dẫn thực hiện cần phải hết sức chi tiết.
Còn theo bà Nguyễn Thị Mai Hiên- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Bộ đã tuyên truyền phổ biến để thực hiện Luật Đất đai 2024. Đồng thời, Bộ được Chính phủ giao quy định chi tiết nghị định quy định chi tiết về đất lúa; nghị định về nuôi trồng cây dược liệu trong rừng.
Bà Hiên cho rằng, đây là 2 vấn đề khó, ví như nghị định quy định chi tiết về đất lúa liên quan đến công trình xây dựng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất lúa nên quy định điều kiện, tỷ lệ, thẩm quyền cho phép xây dựng, mức độ diện tích công trình như thế nào là vấn đề khó. “Do đó mỗi tỉnh cần có sự chuẩn bị, có hướng dẫn phù hợp. Các bộ, ngành liên quan cần vào cuộc cùng với các tỉnh để giúp đỡ các địa phương trong quá trình thực hiện” - bà Hiên nói.