Ngày càng nhiều người rối loạn giấc ngủ
Mất ngủ vốn được coi là căn bệnh của người già nhưng hiện nay ngày càng có nhiều người trẻ tuổi bị mất ngủ. Tình trạng này gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, công việc và cuộc sống của người bệnh.
Theo các thống kê, có tới 35% dân số trên toàn thế giới bị chứng rối loạn giấc ngủ. Tình trạng rối loạn giấc ngủ không chỉ thấy ở người cao tuổi mà những năm gần đây cuộc sống hối hả, con người chịu nhiều áp lực trong công việc, cuộc sống đã khiến người trẻ dần xuất hiện chứng mất ngủ. Viện Tâm thần TPHCM cho biết có khoảng 25% người trẻ (tuổi từ 18-30 độ) thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu giấc, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo.
BS Hoàng Khánh Toàn - Bệnh viện trung ương Quân đội 108 nhận định: “Hiện nay tình trạng rối loạn giấc ngủ là căn bệnh hiện đại, không chỉ người già mất ngủ mà còn có cả người trẻ 20-30 tuổi đã mắc rối loạn giấc ngủ. Có rất nhiều nguyên nhân trong đó do đời sống tinh thần, công việc căng thẳng là yếu tố lớn. Thứ hai là do ăn uống quá lạm dụng chất kích thích như rượu, bia, cà phê... ngoài ra số người rối loạn giấc ngủ do tình trạng mắc các bệnh lý mà người trẻ mắc phải như tăng axit uric, mỡ máu, đái tháo đường... khi mắc các bệnh này chúng ta sử dụng thuốc có thể gây mất ngủ”.
Đồng quan điểm, BSCKII Đoàn Văn Phúc - Trưởng khoa Nội thần kinh (Bệnh viện đa khoa Đức Giang) cho rằng, một nguyên nhân gây mất ngủ ở người trẻ, ngoài áp lực công việc, stress trong cuộc sống, còn do giới trẻ “nghiện” giải trí, chơi game, xem phim, tán gẫu với bạn bè thông qua các thiết bị di động. Thói quen này khiến họ thức khuya, để rồi quá giấc và trằn trọc khó ngủ…
Thực tế, hầu hết mọi người đều đã từng một lần bị mất ngủ, thế nhưng, nếu mất ngủ kéo dài, nó sẽ trở thành căn bệnh mạn tính và để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh.
Không dừng lại tại đó, bệnh trầm cảm trong giới trẻ đang có chiều hướng tăng nhanh và ngày càng phức tạp. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này chính là do mất ngủ. Một đêm mất ngủ khiến tâm trạng trở nên cáu kỉnh vào sáng hôm sau. Cuối cùng, thiếu ngủ kinh niên sẽ làm tăng nguy cơ bệnh trầm cảm.
BS Hoàng Tố Nga - Khoa khám bệnh Cán bộ cao cấp (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) khuyến cáo, để hạn chế rối loạn giấc ngủ, người dân nên thay đổi một số thói quen sinh hoạt hàng ngày để nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Cụ thể như thiết kế phòng ngủ sao cho luôn yên tĩnh, mát mẻ và không quá sáng. Đi ngủ ngay khi mệt mỏi. Đồng thời, luôn giữ tâm lý thoải mái, không lo âu, muộn phiền trước khi đi ngủ. Tránh đi ngủ với các suy nghĩ tiêu cực trong đầu hoặc quá lo lắng về việc nào đó. Thử giải tỏa tâm lý trước lúc đi ngủ bằng cách lập danh sách việc cần làm cho ngày hôm sau và không xem tivi, ăn uống, làm việc hoặc sử dụng máy vi tính trong phòng ngủ. Hạn chế kích thích tinh thần gây khó ngủ như nghe nhạc quá to, xem phim hành động.
Người dân nên tạo thói quen giờ đi ngủ đều đặn và tạo thói quen đi ngủ sớm trước 23 giờ, ngủ đủ 7 - 8 tiếng trong ngày. Trước khi ngủ nên dành 30 phút để thư giãn tinh thần. Thư giãn mỗi tối bằng các phương pháp như tắm nước ấm, nghe nhạc nhẹ hoặc đọc sách. Thử làm các bài tập thư giãn, tập thiền trước khi đi ngủ, tập thói quen thức dậy đúng giờ kể cả ngày nghỉ.
Đặc biệt cần hạn chế uống trà, cà phê, soda, rượu và không hút thuốc lá ít nhất 4 giờ trước khi ngủ. Đồng thời cũng không nên ăn no trước khi đi ngủ. Nên dùng một số đồ ăn nhẹ chứa carbohydrate như sữa, sữa chua hoặc bánh quy có thể giúp ngủ ngon hơn.
Luyện tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tăng sức khoẻ và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên không tập thể dục trong vòng 4 giờ trước khi đi ngủ, vì như vậy có thể khiến tăng hormone hưng phấn làm rối loạn giấc ngủ.
Mất ngủ kéo dài gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, nguy cơ nhồi máu cơ tim cao; nguy cơ béo phì, đái tháo đường, thậm chí còn tăng nguy cơ bị ung thư. Ngoài ra, mất ngủ cũng ảnh hưởng xấu đến làn da, mái tóc, giảm thích ứng trong cuộc sống, có thể bị đột quỵ não, có nguy cơ bị đột tử trong đêm...