Những nhịp cầu nối tình đoàn kết - Bài 3: Cánh tay nối dài của người Mặt trận
Giữa cái nắng gay gắt tháng 3, tiếng cắt sắt thép, tiếng búa đập chan chát vẫn vang lên đều đặn. Từng thành viên trong đội xây cầu từ thiện của chùa Vĩnh Phước đang chuẩn bị các công đoạn đầu tiên để xây dựng cùng lúc 2 cây cầu tại ấp Mỹ Tây A, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã 5, tỉnh Sóc Trăng. Đó là cầu Khánh An 2 và Hoa Hướng Dương 5.
Biệt đội xây cầu U60
10 năm qua, người dân xã Thạnh Tân (Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) và các địa phương lân cận như huyện Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, thị xã Ngã 5 quen thuộc với hình ảnh những lão nông U60 chân lấm tay bùn bẻ sắt, đổ móng… xây hơn trăm chiếc cầu bê tông vững chắc cho bà con.
Trong đội, người ít tuổi nhất cũng hơn 50, người lớn tuổi nhất cũng gần 70. Là một trong những thành viên kỳ cựu nhất của đội, ông Duy Văn Thiệu (63 tuổi, ngụ Ấp 21, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị) cho biết, ông “bén duyên” với đội thi công cầu ngay từ những ngày đầu. Khoảng năm 2014, nhiều tuyến đường nông thôn tại xã Thạnh Tân còn rất nhiều cầu ván, cầu khỉ nên việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
“Chứng kiến cảnh bà con đi lại vất vả, nhất là người già và trẻ em, trụ trì chùa Vĩnh Phước - Thượng tọa Thích Định Hương đã đứng ra vận động mọi người tham gia bắc cầu. Kinh phí do chùa vận động từ các nhà hảo tâm, bà con địa phương thì góp công, góp sức” - ông Thiệu kể lại.
Nói thì dễ nhưng bắt tay vào làm cây cầu đầu tiên, những lão nông hàng ngày chỉ quen với việc đồng áng gặp không ít khó khăn. Thượng tọa Thích Định Hương đã mời người có kinh nghiệm thi công cầu về hướng dẫn cẩn thận, ai vào việc nấy theo đúng quy trình, quy chuẩn xây một cây cầu. Sau 2, 3 cây cầu đầu tiên mọi người bắt đầu quen dần.
Và giờ theo lời ông Thiệu thì cả đội thi công đều trở thành những công nhân chuyên nghiệp, mọi việc đều thuần thục và chuẩn xác.
Những cây cầu nối tiếp nhau mọc lên mang lại niềm vui cho biết bao người. Đội thi công cầu ngày càng thu hút nhiều lão nông tham gia. Ban đầu, các thành viên trong đội xây cầu từ thiện chùa Vĩnh Phước chỉ xây cầu trên địa bàn xã, nhưng thời gian sau, mỗi khi hay tin bà con ở địa phương lân cận cần là họ lại có mặt. Như ở Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, thị xã Ngã Năm… nơi nào cũng thấy đội xây cầu từ thiện.
Tính ra, hơn 10 năm qua, “đội xây cầu U60” đã cùng Thượng tọa Thích Định Hương xây dựng được 120 cầu nông thôn ở các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng. 120 cây cầu chở biết bao niềm vui, hạnh phúc của những người cho đi và những người được nhận. Nghĩa tình bà con xóm làng cũng từ đó mà bồi đắp. Vì thế, mỗi khi nhà ai có đám giỗ, đám hiếu những người họ luôn nghĩ đến là các thành viên trong đội xây cầu “U60”.
“Có cây cầu khánh thành xong mấy tháng tôi cũng không nhớ, nhưng một hôm thấy có cuộc điện thoại gọi đến mời đám giỗ, họ cứ tha thiết bảo tôi nhất định phải đến. Bà con mình nghĩa tình như thế còn gì quý hơn” - ông Thiệu nói.
Thượng tọa Thích Định Hương cho biết, trước khi thực hiện việc xây dựng cầu, nhà chùa sẽ nhờ chính quyền, MTTQ tổ chức họp, lấy ý kiến của người dân cũng như vận động người dân tham gia hỗ trợ. Sự đồng lòng từ chính quyền địa phương, người dân đã giúp hoàn thành những cây cầu vững chãi cho bà con đi lại, giao thương thuận lợi.
Cũng chính từ sự đồng thuận đó mà những ngày xây cầu, ấp vui lắm. Thượng tọa Thích Định Hương kể, khi đội thi công đến, người dân địa phương đi chợ, nấu ăn cho các thành viên. Vui nhất là những ngày đổ bê tông cầu, bà con đến đông như hội, mỗi người một việc. Rồi Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Thanh niên cũng đến.
“Chính sự đồng lòng, đoàn kết của bà con mà cầu sớm hoàn thành. Nhà chùa lo vận động kinh phí, bà con góp công, góp của nên kinh phí xây mỗi cây cầu giảm đi rất nhiều. Các nhà hảo tâm thấy hiệu quả nên giới thiệu thêm nhiều nhà hảo tâm khác đến hỗ trợ xây thêm các cầu khác. Những nhịp cầu cứ thế nối tiếp nhau bắc lên” - Thượng tọa Thích Định Hương chia sẻ.
“Mấy chú như cánh tay nối dài của Mặt trận”
Chúng tôi xuống xã Tân Hội (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang), nơi Đội xây cầu từ thiện Phật giáo Hòa Hảo đang thi công, trong cái nắng gắt cuối chiều, ông Nguyễn Văn Luông ra bờ kênh kiểm tra lại mấy cây cột bê tông vừa đổ. Trên chiếc ghe, vợ ông đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Từ ngày chồng tham gia đội xây cầu từ thiện, cứ có thời gian rảnh bà lại đi cùng phụ giúp, cuối giờ mới về nấu cơm.
Đón ly cà phê đá từ tay ông Nguyễn Minh Ngọc – Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tân Hiệp mời, ông Luông cười bảo “ráng thêm chút thời gian nữa là cầu khánh thành, lúc đó bà con ấp Thạnh Tây vui lắm”.
Đến giờ, ông Luông cũng không nhớ mình cùng đội xây cầu từ thiện xây bao nhiêu cây cầu, vá bao nhiêu mét đường ổ gà hay cùng bà con chòm xóm dựng những ngôi nhà tình thương nào? Ông chỉ biết, cứ có việc là tham gia, cứ giúp được gì cho mọi người là ông làm hết lòng. Đúng như tôn chỉ hành đạo “học Phật, tu nhân”, thể hiện lòng nhân ái, tình yêu thương con người, các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo như ông Luông rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện - xã hội mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
“Mấy chú như những cánh tay nối dài của người Mặt trận vậy, cùng xây cầu, cùng vận động mọi người tham gia, lúc nào cũng nêu cao tinh thần tương thân, tương ái” – ông Ngọc chia sẻ đồng thời cho biết, thời gian qua, MTTQ và các đoàn thể huyện Tân Hiệp phát huy tối đa vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới nói chung và xây dựng cầu nông thôn nói riêng. Trong đó, MTTQ huyện đã vận động xã hội hóa xây dựng mới các cầu nông thôn theo hình thức Nhà nước, tôn giáo và nhân dân cùng làm. Kết quả, từ năm 2019 đến nay, MTTQ huyện đã vận động xã hội hóa xây dựng mới được 14 cầu nông thôn với tổng trị giá thực hiện trên 11,9 tỷ đồng.
“Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên và MTTQ các cấp xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, số lượng, vị trí kêu gọi xây dựng cầu giao thông nông thôn và tiến hành vận động các nguồn lực, kinh phí trong và ngoài huyện để thực hiện” - ông Ngọc cho biết.
Cũng theo ông Ngọc, ngoài đóng góp về tài chính, các tổ chức tôn giáo còn đóng góp ngày công lao động, tham gia hỗ trợ các đội thi công cầu nhằm rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm tối đa chi phí.
“Đối với những cây cầu giao thông nông thôn thực hiện theo hình thức xã hội hóa, chúng tôi tranh thủ sự hỗ trợ của các đội thi công thiện nguyện trong và ngoài huyện Tân Hiệp. Trong quá trình xã hội hóa xây dựng cầu, MTTQ huyện luôn thực hiện tốt việc quản lý, điều hành, giám sát nguồn đóng góp, tổ chức sử dụng hiệu quả, đúng đối tượng, đúng nơi, đúng mục đích. Công tác công khai minh bạch tiền, vật tư, ngày công lao động từ thiện do dân đóng góp và mạnh thường quân tài trợ được thực hiện đầy đủ. Mỗi công trình hoàn thành đều gắn bảng lưu niệm, nêu rõ nguồn kinh phí xây dựng, tên nhà tài trợ; bảo đảm phương châm dân biết, dân bàn, dân giám sát, dân kiểm tra và hưởng lợi…” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tân Hiệp Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ.
Ông Ngô Phương Vũ - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Kiên Giang:
Lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đoàn kết
Kiên Giang là tỉnh có diện tích rộng, với hệ thống kênh, rạch chằng chịt, đặc biệt là các huyện vùng nông thôn, như Giồng Riềng, Gò Quao, Tân Hiệp... Tuy nhiên, nhiều tuyến kênh hiện chưa có cầu giao thông thông suốt, hoặc đã quá tải, hoặc xuống cấp sau nhiều năm sử dụng, gây khó khăn cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp.
Để khắc phục tình trạng này, MTTQ cùng các tổ chức thành viên đã vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đặc biệt là các tổ chức tôn giáo đồng hành cùng với chính quyền xoá cầu tạm, sữa chữa, xây mới nhiều cầu, lộ giao thông, mang lại niềm vui và tạo thuận lợi cho người dân đi lại.
Có thể nói mô hình xóa cầu tạm, sửa chữa, xây mới cầu, lộ giao thông khắp các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao... thời gian qua không chỉ là những công việc tình nguyện đơn thuần, mà là biểu tượng của sức mạnh cộng đồng, lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc. Những người tham gia không chỉ là những người tình nguyện xây cầu, mà còn là những người xây dựng tinh thần đoàn kết, góp phần vào sự gắn kết bền vững của cộng đồng, thấm đậm tình làng, nghĩa xóm. Thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng, huy động thêm nguồn lực để ngày càng có nhiều hơn những tổ chức cá nhân tham gia xây cầu ở các vùng khó khăn.
(còn nữa)