Tín hiệu tích cực của thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu tích cực. Tính từ đầu năm, thị trường đã tăng trưởng 12%, đây là mức tăng trưởng khá khả quan.
Theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty CP Chứng khoán VPBankS, lãi suất huy động tiếp tục ở mức thấp vẫn là yếu tố tích cực để tạo sự xoay chuyển dòng vốn từ nơi hiệu quả thấp sang nơi hiệu quả cao hơn. Thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn là nơi đón dòng tiền này.
“Chúng ta đang ở năm bản lề gần sát cánh cửa nâng hạng. Việc thay đổi về chất là nền tảng pháp lý đang có chuyển biến rõ nét giúp đảm bảo các tiêu chí của các tổ chức quốc tế về thị trường Việt Nam” - ông Sơn nói.
Vẫn theo ông Sơn, 2024 là năm chuyển dịch khi lợi nhuận tạo đáy từ năm 2023 sẽ tăng trưởng trở lại cao hơn so mức nền thấp. Đà phục hồi TTCK đang trong xu hướng mới, đến từ hai hướng: định hướng chính sách và sự phục hồi của doanh nghiệp (DN). Hai yếu tố này bảo đảm cho thị trường năm nay tăng trưởng khá tốt. Dự báo chỉ số VN-Index có thể đạt được từ 1.326-1.350 điểm, là mức cao trong năm nay.
Trong khi đó, ông Hồ Sỹ Hòa - Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán DNSE cho rằng, về yếu tố nội tại, nền tảng kinh tế vĩ mô đã có sự phục hồi rõ nét từ tất cả các cấu phần chính của nền kinh tế, thí dụ từ cấu phần sản xuất công nghiệp, khu vực sản xuất cho tới nhóm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất nhập khẩu. Quý III, IV năm 2023 và hai tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều tăng trưởng lần lượt khoảng 6% và hơn 8%. Ngoài ra, FDI trong 2 tháng đầu năm thì mức tăng trưởng hơn 38%. Điều này cho thấy sự phục hồi của nội tại nền kinh tế Việt Nam đã ở mức tăng trưởng rõ nét.
Về mặt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, dù năm 2024 áp lực lên lạm phát là có nhưng Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái rất tích cực như cung cấp định mức tín dụng 15% ngay từ đầu năm cho các ngân hàng, hỗ trợ cho các DN và nền kinh tế năm 2024, từ đó tác động tích cực lên TTCK trong năm nay.
Bà Phạm Thị Thuỳ Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Uỷ ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) cho biết, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1726 về Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, với mục tiêu đặt ra là nâng hạng TTCK vào năm 2025.
Theo đại diện UBCKNN, các tổ chức xếp hạng quốc tế chia TTCK làm 4 nhóm chính: nhóm thị trường phát triển có vốn lớn, có độ mở cao; nhóm TTCK mới nổi có khả năng cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận, tính quy mô thanh khoản ở mức cao, quy định pháp lý chặt chẽ; nhóm TTCK cận biên, Việt Nam đang ở thứ hạng này; nhóm TTCK chưa được xếp hạng.
Hiện Việt Nam đạt 7/9 tiêu chí, còn 2 tiêu chí cần hoàn thiện gồm: ký quỹ trước giao dịch nhà đầu tư nước ngoài và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
“Đối với giải pháp ký quỹ, chúng tôi đã trao đổi với các tổ chức xếp hạng quốc tế để tìm giải pháp. UBCKNN đã trình Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi bổ sung một số văn bản, trước mắt không yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền đối với nhà đầu tư nước ngoài tổ chức” - bà Linh chia sẻ. Về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, đại diện UBCKNN cho biết đã cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành rà soát ngành nghề, đồng thời công bố thông tin minh bạch để nhà đầu tư nắm thông tin tỷ lệ sở hữu của các DN một cách dễ dàng nhất. Đồng thời kiến nghị Bộ KHĐT phối hợp với các bộ, ngành khác để rà soát các ngành nghề, có thể mở rộng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với một số ngành nghề không thiết yếu.
“Các công việc triển khai có sự hậu thuẫn cao của các thành viên thị trường. Chúng tôi kỳ vọng có thể đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường trong 2025. Mục tiêu đặt ra là nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025, vấn đề này phụ thuộc nhiều vào kỳ đánh giá xếp hạng và trải nghiệm của khách hàng, chúng tôi rất mong các công ty chứng khoán tuyên truyền tới các nhà đầu tư khi có trải nghiệm tốt” - bà Linh nói.
Theo ông Hồ Sỹ Hòa - Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán DNSE cho rằng, về yếu tố nội tại, nền tảng kinh tế vĩ mô đã có sự phục hồi rõ nét từ tất cả các cấu phần chính của nền kinh tế, đơn cử từ cấu phần sản xuất công nghiệp, khu vực sản xuất cho tới nhóm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất nhập khẩu. Quý III, IV năm 2023 và hai tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều tăng trưởng lần lượt khoảng 6% và hơn 8%. Ngoài ra, FDI trong 2 tháng đầu năm mức tăng trưởng hơn 38%. Điều này cho thấy sự phục hồi của nội tại nền kinh tế Việt Nam đã ở mức tăng trưởng rõ nét và phản ánh qua các con số vĩ mô. Từ đó, TTCK cũng sẽ có điều kiện để tăng trưởng.