Nhiều bất cập trong quản lý cây xanh đô thị
Dù đặt ra mục tiêu tăng diện tích cây xanh công cộng hàng năm nhưng tỷ lệ đất cây xanh công cộng tại TPHCM hiện ở mức thấp nhất trong các đô thị của cả nước, chỉ đạt khoảng 0,55m2/người.
Công ty Công viên Cây xanh được UBND TPHCM quyết định thành lập tháng 6/1977, ban đầu là doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích. Từ tháng 7/2010, công ty này được chuyển thành Công ty TNHH MTV, với nhiệm vụ quản lý, duy tu, cải tạo và xây dựng mới các công trình công cộng (công viên, vườn hoa, vườn thú, cây xanh đô thị...) trên địa bàn TPHCM. Công ty Công viên Cây xanh ngoài quản lý các công ty, xí nghiệp trực thuộc, còn quản lý nhiều công viên cây xanh lớn của TPHCM, như: Công viên Trung Tâm; Công viên Lê Văn Tám; Công viên Tao Đàn; Công viên Gia Địn; các xí nghiệp Công viên Cây xanh 1, 2, 3, 4, 5; Xí nghiệp Vận tải Xây dựng; Xí nghiệp Dịch vụ Bảo vệ; Vườn ươm Đông Thạnh và Vườn ươm Hiệp Thành.
Dù thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với nhiều công trình công cộng, công viên, cây xanh đô thị, thế nhưng kết quả thanh tra giai đoạn 2021 - 2022 của Thanh tra TPHCM vừa công bố ngày 1/3/2024 đã chỉ ra nhiều bất cập, sai phạm trong chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh, việc quản lý sử dụng vốn và tài sản tại Công ty Công viên Cây xanh.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Chánh Thanh tra TPHCM, thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố xác định, đến nay Công ty Công viên Cây xanh còn khoản nợ phát sinh hơn 1,9 tỷ đồng, trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng hơn 1,8 tỷ đồng. Công ty Công viên Cây xanh cũng không trích lập quỹ dự phòng nợ phải thu khó đòi là chưa đúng theo quy định. Riêng khoản nợ phải thu của Công ty TNHH MTV Thành An 117 với số tiền 648 triệu đồng hiện đã quá hạn trên 6 năm.
Theo đại diện Thanh tra TPHCM, Công ty Công viên Cây xanh không có biện pháp xử lý đối với khoản nợ thu phát sinh từ năm 2014. Trong đó, đối với khoản nợ phải thu hơn 1 tỷ đồng là khoản nợ phát sinh từ 2014. Đến năm 2020, Công ty Công viên Cây xanh mới trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, đồng thời khoản nợ phải thu này đến nay đã không có khả năng thu hồi nhưng Công ty Công viên Cây xanh vẫn không có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài trách nhiệm của Công ty Công viên Cây xanh, trong thông báo kết luận thanh tra ngày 1/3, Thanh tra TPHCM cũng chỉ ra trách nhiệm của nhiều sở, quận, huyện liên quan đến các sai sót trong quá trình hướng dẫn, xem xét, hỗ trợ cấp bù kinh phí tổ chức Hội Hoa Xuân năm 2021…, dẫn đến kéo dài đến nay chưa thực hiện xong.
Riêng Sở Xây dựng TPHCM được xác định, chưa có biện pháp bảo quản, chậm xử lý đấu giá về khối lượng gỗ thu hồi từ công tác đốn hạ, giải tỏa cây xanh trên địa bàn. Điều này dẫn đến hiện tượng nhiều cây gỗ có dấu hiệu bị mục, ảnh hưởng đến chất lượng khi thực hiện đấu giá (hơn 4.516m3 khối gỗ tập kết tại Vườn ươm Đông Thạnh do Công ty Công viên Cây xanh quản lý). Có những địa phương như UBND huyện Hóc Môn còn chậm trễ, thiếu chủ động báo cáo xin ý kiến UBND TPHCM trong việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng Vườn ươm cây xanh và hoa kiểng (xã Đông Thạnh) dẫn đến nhiều bất cập kéo dài.
Từ những sai phạm trong thanh tra, Chánh Thanh tra TPHCM đã kiến nghị và được UBND TPHCM chấp thuận, thống nhất chỉ đạo giao Chủ tịch Hộ đồng thành viên và Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra những tồn tại, thiếu sót. Bên canh đó, kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế tài chính; quy chế quản lý nợ; quy chế quản lý sử dụng các quỹ; quy chế quản lý sử dụng tài sản cố định, quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí;… để khắc phục các tồn tại, bất cập kéo dài.
Để xử lý dứt điểm các tồn đọng qua hoạt động thanh tra, UBND TPHCM cũng chỉ đạo Giám đốc Sở Xây dựng phối hợp, hướng dẫn Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố giải quyết dứt điểm, trong đó chấn chỉnh trong công tác quản lý, bán gỗ thu hồi từ công tác đốn hạ, giải tỏa cây xanh trên địa bàn phù hợp với quy định và thực tế.