Hỗ trợ ngư dân “bám biển”
Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững, Hải Phòng dự kiến sẽ dùng ngân sách hỗ trợ giải bản tàu cá không còn phù hợp và kinh phí mua ngư cụ, máy tời để ngư dân chuyển đổi nghề khai thác thủy sản.
Vẫn còn tàu cá 3 “không”
Hải Phòng hiện có 3 cảng cá đã được công bố mở cảng và đưa vào hoạt động gồm: Cảng Trân Châu (huyện Cát Hải), cảng Ngọc Hải (quận Đồ Sơn), cảng cá Tây Nam Bạch Long Vĩ (huyện đảo Bạch Long Vĩ). Ngoài ra còn có cảng cá Tây Bắc Bạch Long Vĩ đang được đầu tư xây dựng. Hải Phòng đã triển khai hàng loạt chính sách để hỗ trợ các tàu cá như: Ký hợp đồng tín dụng cho 47 chủ tàu vay vốn để đóng mới tàu với tổng số tiền 697 tỷ đồng; hỗ trợ mua bảo hiểm cho thuyền viên, bảo hiểm thân tàu; hỗ trợ đào tạo cũng như chi phí vận chuyển hàng hóa; hỗ trợ lãi suất vốn vay để mua mới ngư lưới cụ, cải hoán nâng cấp tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên…
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) TP Hải Phòng, giai đoạn 2016 - 2020, giá trị sản xuất khai thác thủy sản (KTTS) tăng trên 6%/năm, sản lượng KTTS tăng trên 10%/năm. Giai đoạn 2020 - 2023, giá trị sản xuất KTTS năm 2020 đạt 2.584 tỷ đồng, năm 2023 ước đạt 2.882 tỷ đồng. Sản lượng khai thác năm 2020 là 109.340 tấn, năm 2023 ước đạt 123.000 tấn.
Cũng theo Sở NNPTNT TP Hải Phòng, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 940 tàu cá đang hoạt động. Trong đó có 840 tàu đủ điều kiện KTTS. Còn lại 28 tàu đã đăng ký nhưng chưa đủ điều kiện KTTS và có 72 tàu cá thuộc diện 3 “không”: Không đăng ký; không đăng kiểm; không giấy phép khai thác. Những tàu này do ngư dân tự đóng, tự mua đi bán lại qua nhiều năm, không đủ giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ đăng ký tàu cá. Hải Phòng đã giao các đơn vị, địa phương, thống kê, quản lý chặt chẽ khối tàu này, đảm bảo phải đáp ứng đầy đủ quy định pháp luật khi đi khai thác.
Bên cạnh đó, số lượng tàu cá nhỏ, khai thác ven bờ còn lớn. Trong tổng số 940 tàu cá có 389 tàu khai thác ở vùng bờ; 218 tàu khai thác ở vùng lộng và 333 tàu khai thác ở vùng khơi. Việc KTTS ở ven bờ theo phương thức truyền thống là chủ yếu, làm cho nguồn lợi thủy sản suy giảm. Nhiều chủ tàu gặp khó khăn trong việc chuyển đổi nghề khai thác.
Hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề
Gia đình bà Nguyễn Thị Sánh (60 tuổi, thôn Thủy Hưng, xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng) có thâm niên hơn 40 năm “bám biển”. Đi biển là nghề cha truyền, con nối. Vì thế, anh Nguyễn Văn Xuất (37 tuổi, con trai bà Sánh) vừa ngoài đôi mươi đã xuống tàu mưu sinh, kiếm sống. Giống như các tàu khác ở xã Đông Hưng, tàu của bà Sánh, anh Xuất chủ yếu khai thác vùng cửa sông Hóa, đoạn qua xã Đông Hưng (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) đến đoạn qua vùng biển Quang Lang (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
“Mỗi tháng có 2 con nước, chúng tôi ra khơi khoảng 14 ngày. Ngày suôn sẻ, tôi kiếm được 500.000 - 700.000 đồng. Thời gian gần đây, giá dầu tăng cao khiến cho chi phí vận hành tàu thuyền lớn, thu nhập vì thế mà giảm theo. Lênh đênh trên biển bao nhiêu năm trời, tôi chỉ mong con trai còn trẻ, còn sức vóc, có thể chuyển đổi nghề nghiệp để bớt vất vả hơn” - bà Sánh tâm sự.
Cũng như bà Sánh, vợ chồng ông Nguyễn Văn Chu (54 tuổi, thôn Thủy Hưng, xã Đông Hưng) sống nhờ lộc biển. “Nghề sông nước vất vả, phụ thuộc vào con nước nên thất thường. Nếu có được hỗ trợ chuyển đổi nghề đảm bảo cuộc sống thì gia đình rất mừng” - bà Nguyễn Thị Gái (55 tuổi, vợ ông Chu) chia sẻ.
Gia đình bà Sánh, ông Chu, anh Chính là 3 trong số 72 trường hợp có tàu nhưng chưa đăng ký tàu cá, dự kiến xem xét hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Thống kê cho thấy, Hải Phòng có tới 204 tàu KTTS phải giải bản và 110 tàu cá phải chuyển đổi ngư cụ khai thác. Để hỗ trợ ngư dân, Hải Phòng dự kiến sẽ ban hành chính sách theo hình thức: Các cá nhân có địa chỉ thường trú tại TP Hải Phòng, là chủ sở hữu hợp pháp của các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên sẽ được hỗ trợ giải bản tàu hoặc hỗ trợ mua kinh phí ngư cụ, máy tời để chuyển đổi nghề KTTS (mỗi tàu cá chỉ được lựa chọn, áp dụng một hình thức hỗ trợ). Số tiền hỗ trợ được xây dựng trên cơ sở niên hạn, kích thước tàu theo quy chuẩn và loại ngư lưới cụ chuyển đổi. Ngoài ra, Hải Phòng cũng dự kiến xây dựng chính sách hỗ trợ để ngư dân ổn định đời sống khi tàu cá bị giải bản.
Dự tính tổng mức hỗ trợ là hơn 53 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước cùng với những chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, Hải Phòng quyết tâm đưa ngành KTTS của thành phố phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống của ngư dân.