Sức khỏe

Người chắp cánh cho ước mơ làm mẹ

Đức Trân (Thực hiện) 08/03/2024 07:06

Tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ở nước ta nằm trong nhóm cao trên thế giới. Theo thống kê từ Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, khoảng một nửa trong số này nằm ở độ tuổi dưới 30 và con số này đang ngày càng gia tăng.

bai-chinh.jpg
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ. Ảnh: Đức Trân.

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với ThS.BS Phạm Thị Mỹ - chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội).

PV: Để có thể đối diện, tư vấn, hỗ trợ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn – những người phải chịu rất nhiều áp lực từ dư luận, dày vò về tâm hồn chắc hẳn không phải là chuyện dễ dàng đối với bất kỳ bác sĩ chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản nào. Nguyên nhân nào khiến chị chọn nghề này?

BS PHẠM THỊ MỸ: Thực ra theo tôi thì nghề nào cũng có khó khăn riêng, và khi chúng ta lựa chọn công việc của mình đều có một niềm đam mê với nó. Khi mới vào nghề, cũng như bao sinh viên Y mới ra trường khác, tôi chỉ mong mình có một công việc và được thực hành cống hiến những kiến thức có được giúp mọi người. Tuy nhiên, khi trở thành bác sĩ hỗ trợ sinh sản, được tiếp xúc với các bệnh nhân, tôi ngày càng bị cuốn vào công việc và nó thực sự trở thành niềm đam mê với sứ mệnh ươm mầm hạnh phúc của mình.

Đến nay, trong suốt 10 năm làm việc tại Bệnh viện Nam học và hiếm muộn, tôi được chứng kiến rất nhiều những hoàn cảnh khác nhau. Mỗi cặp vợ chồng đến thăm khám lại là một câu chuyện, một hoàn cảnh, một nỗi niềm riêng.

Tất cả các cặp vợ chồng ấy khi tới khám tại bệnh viện đều mang theo mình một niềm khao khát được làm cha mẹ. Có những cặp vợ chồng mong con 1 - 2 năm đã quyết định đến bệnh viện thăm khám. Song, cũng có bệnh nhân dù biết mình khó mang thai nhưng phải trì hoãn việc thăm khám để lo kinh tế, tích góp để đủ tiền chữa trị. Rất nhiều bệnh nhân đã tiêu tốn không ít tiền của chữa trị nhưng vẫn chưa có được con.

Công việc của các bác sĩ nói chung và bác sĩ hỗ trợ sinh sản nói riêng gắn liền với sự vất vả. Động lực nào giúp chị vượt qua khó khăn và gắn bó với nghề tới nay?

- Trong quá trình làm việc, khi thăm khám cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, không chỉ cảm thông, mà tôi còn rất thương họ. Rất nhiều bệnh nhân trải qua muôn vàn khó khăn, vất vả nhưng vẫn chưa có con. Có những trường hợp có thai rất dễ nhưng bị lưu sảy thai rất nhiều lần ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và sức khỏe. Bên cạnh đó, cũng có không ít những trường hợp trải qua nhiều lần điều trị, đi rất nhiều các bệnh viện trong cả nước thậm chí cả nước ngoài nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười với họ. Chứng kiến những hoàn cảnh đó, tôi và các đồng nghiệp luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức, tìm tòi học hỏi và nỗ lực để có thể tìm ra biện pháp, các phương pháp hỗ trợ tốt nhất giúp các cặp vợ chồng có con càng sớm càng tốt.

Tôi và đồng nghiệp thường bắt đầu công việc từ 6h30 sáng đến quá trưa, có những hôm quên cả giờ nghỉ. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng, nếu nghỉ trưa, thì bệnh nhân sẽ phải chờ đợi.

Hiện tại, Bệnh viện đã sắp xếp các y bác sĩ và các nhân viên thực hiện thăm khám và tư vấn xuyên trưa để phục vụ bệnh nhân. Bởi vì để đến thăm khám có rất nhiều bệnh nhân phải xin nghỉ làm, sắp xếp công việc, hoặc thậm chí có những người quê ở rất xa, đi lại khó khăn vất vả mới tới được Bệnh viện.

Chúng tôi cũng thường xuyên động viên bệnh nhân, bởi đa số bệnh nhân khám hiếm muộn đều chịu những áp lực rất lớn, áp lực từ chính bản thân, từ người thân, gia đình, họ hàng làng xóm... Nếu bác sĩ không chia sẻ, mở lòng thì bệnh nhân sẽ không thoải mái tâm lý khi điều trị. Bởi, tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các cặp vợ chồng điều trị thành công.

Chị có thể chia sẻ niềm vui khi giúp những gia đình được đón những đứa trẻ?

- Dù công việc đôi khi có áp lực, nhưng niềm vui mà tôi nhận được là không kể xiết. Hàng ngày, tôi vẫn thường xuyên nhận các tin nhắn báo tin vui của các cặp vợ chồng, những bức ảnh em bé xinh xắn đáng yêu cùng lời cảm ơn đến bác sĩ. Ngoài ra vào những ngày đặc biệt, bệnh nhân nhớ tới bác sĩ và gửi lời chúc mừng, thậm chí có những bệnh nhân đưa con tới chơi và thăm bác sĩ, thăm bệnh viện thăm nơi ươm mầm. Đó là niềm vui, hạnh phúc và động lực để tôi cũng như các bác sĩ của Bệnh viện cống hiến hàng ngày mà quên sự mệt mỏi.

Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Là phụ nữ, ngày 8/3, tôi cũng mong muốn nhận được thật nhiều tình cảm của mọi người. Bên cạnh đó, tôi còn mong muốn ngày ý nghĩa này sẽ hỗ trợ được thêm nhiều phụ nữ khác, mang được nhiều thiên thần nhỏ đến với các gia đình, giúp các chị em phụ nữ vui hơn, mang lại nhiều hơn nữa những tiếng cười để tô đẹp thêm cuộc sống này.

Đức Trân (Thực hiện)