Tạo đòn bẩy du lịch bằng sản phẩm đặc thù
Du lịch TPHCM đang chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục. Để phát triển bền vững, ngành du lịch thành phố đã và đang đầu tư nhân rộng các sản phẩm mang tính đặc thù, đồng thời chuyển đổi số giúp du khách có thể tiếp cận tốt hơn các dịch vụ.
Du lịch nội đô lên ngôi
Sở Du lịch TPHCM cho biết, năm 2023, thành phố đón 5 triệu lượt khách trong nước và quốc tế, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu 160 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với kế hoạch. Chỉ tính riêng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngành du lịch TPHCM đạt 6,55 nghìn tỷ đồng.
Bà Trần Lan Hương - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hồng Dương chia sẻ, là doanh nghiệp (DN) chuyên tổ chức các tour nội đô, năm 2023 doanh thu công ty đạt ngưỡng 50 tỷ đồng. Đặc biệt dịp Tết vừa qua, mức thu về bằng 150% so với thời kỳ trước dịch Covid-19.
Bà Hương nhận định, thời gian tới, du lịch nội đô sẽ phát triển mạnh bởi nhiều yếu tố như: thời gian ngắn ngày, chi phí rẻ, hạn chế được các yếu tố dịch bệnh so với đi xa hoặc du lịch nước ngoài. “Không chỉ các DN TPHCM mà các công ty ở nhiều tỉnh, thành khác cũng đang tích cực khai thác theo hướng đó, thực tế đã chứng minh hiệu quả rõ rệt. Bước tiếp sau một giai đoạn khó khăn và khởi đầu một năm mới như vậy là rất triển vọng” - bà Hương nói.
Theo đánh giá của Sở Du lịch TPHCM, sở dĩ thành phố đạt được sự tăng trưởng về du lịch như trên là nhờ kết hợp nhiều yếu tố quan trọng. Đầu tiên phải kể đến việc xây dựng, thực hiện tốt kế hoạch mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng. Nhờ kế hoạch này, thành phố hình thành được một bộ sản phẩm du lịch để các DN có tài nguyên khai thác các tour nội đô, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn, từ đó chi tiêu nhiều hơn vào các hoạt động vui chơi, khám phá. Nguyên nhân nữa là TPHCM thường xuyên liên kết với các điểm du lịch khắp cả nước như miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc, các tỉnh Nam miền Trung… nên các DN thành phố có điều kiện bán được nhiều tour hơn, cả tour vào thành phố và tour ra thành phố, thường được khách chọn làm điểm dừng chân để đổ đi du lịch các vùng khác.
Bên cạnh đó, kinh tế đêm được đầu tư nhiều hơn, tạo sức bật cho doanh thu du lịch thành phố. “Nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm tại TPHCM chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong một đường tour. Mức chi tiêu ban ngày chiếm 30% bởi khách chủ yếu đi tham quan các địa danh, ăn uống theo chương trình có chi phí trọn gói. Buổi tối, du khách mới có thời gian tự do ngoài chương trình để khám phá các hoạt động khác” – đại diện Sở Du lịch TPHCM thông tin.
Gắn với du lịch xanh
Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ nhận định, hành vi tiêu dùng của du khách đang thay đổi, quan tâm hơn đến vấn đề an toàn, sức khỏe và sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường, hướng tới những chương trình, sản phẩm du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng, gắn với cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc địa phương. Do đó, phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững đang trở thành xu thế trong phát triển du lịch hiện nay.
Nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch trên địa bàn huyện, UBND huyện Cần Giờ phối hợp với Sở Du lịch TPHCM xây dựng và triển khai Đề án phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng với mục tiêu hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch gắn với hộ gia đình trong việc phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, tham quan, trải nghiệm và mua sắm khi đến du lịch.
Qua 1 năm đi vào hoạt động, điểm du lịch Thiềng Liềng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ du khách, các DN lữ hành và được bình chọn là 1 trong 100 điều thú vị của TPHCM tại các hạng mục thú vị.
Ông Trần Quang Duy - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt cho biết, với lịch sử hình thành hơn 300 năm và 21 quận, huyện cùng 1 thành phố, TPHCM sở hữu nhiều tài nguyên du lịch phong phú, với các khu, điểm du lịch hấp dẫn, mang màu sắc riêng. Các tour nội đô tại TPHCM đã giúp du khách được khám phá và hiểu rõ hơn về kiến trúc, văn hóa, lịch sử của thành phố; cảnh quan thiên nhiên cũng như thưởng thức văn hóa ẩm thực nhiều vùng miền trên cả nước, cộng thêm sự giao thoa các nền ẩm thực khác trên thế giới.
Thống kê đến nay, TPHCM đã công bố 42 sản phẩm du lịch đặc trưng của từng quận huyện, thành phố. Các chương trình này có thời gian tham quan từ nửa ngày đến 1 ngày nên sẽ là một trong những lựa chọn mới lạ, thu hút những du khách muốn khám phá Thành phố, hay kích thích chính người dân thành phố quan tâm, tìm hiểu kỹ hơn với du lịch ngay tại TP mình sinh sống.
Tuy nhiên, nhu cầu đi du lịch tại TPHCM chưa thật sự tương xứng với tiềm năng. Một số khó khăn cũng đến từ việc liên kết với các điểm, khu du lịch trong xây dựng sản phẩm. Bản thân các DN lữ hành cần có thời gian từ một năm trở lên mới có thể hoàn thiện sản phẩm mới và quảng bá truyền thông, tiếp cận các khách hàng tiềm năng đến khi có lượng khách hàng nhất định. “Các điểm đến, khu du lịch cần được đầu tư, cải tạo, nhất là đầu tư về công nghệ, chuyển đổi số để tạo sự lan tỏa và sự tiếp cận thuận lợi cho du khách về sản phẩm… là những vấn đề quan trọng các DN và nhà nước cần quan tâm triển khai gấp” - ông Duy đề nghị.
Những sản phẩm, địa doanh du lịch nội đô nổi bật của TPHCM được nhiều người tìm đến gồm: Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn, Sài Gòn xưa và nay; Về Chợ Lớn xem múa lân; Có một Chợ Lớn rất khác tại quận 11; Lắng nghe hơi thở của rừng; Về chốn linh thiêng; Những điều chưa kể tại Bình Chánh; Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa; Quận 4 - Cù lao giữa lòng phố thị…