Mặt trận

Người phụ nữ tài năng, nhân hậu

THU HOÀN 08/03/2024 07:07

“Bây giờ con đang ở đâu? Mẹ đã bỏ tất cả, kể luôn sinh mạng của mình bước thẳng vào cuộc chiến đấu, đâu chỉ riêng vì nghĩa nước. Tình nhà không ngày đêm ray rứt con người hay sao! Nhà và Nước không tách rời nhau. Đó là truyền thống của gia đình ta…” - (trích Hồi ký của bà Nguyễn Thị Trang).

bai-chinh-1.jpg
Đại diện gia đình bà Nguyễn Thị Trang (bên trái) trao tặng kỷ vật cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Thu Hoàn.

Những dòng hồi ký xúc động đưa chúng tôi tìm về cuộc đời của bà Nguyễn Thị Trang (Vân Trang), nguyên Ủy viên Ủy ban Nhân dân Cách mạng Sài Gòn - Gia Định, Phó Tổng Thư ký Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam Khu Sài Gòn - Gia Định, Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ TPHCM.

Bà Nguyễn Thị Trang sinh năm 1925, tại Phước Long, Rạch Giá trong một gia đình nghèo, đông con, giàu truyền thống yêu nước. Cha, anh trai, chị gái, anh rể của bà đều tham gia hoạt động cách mạng. Từ nhỏ, bà đã theo mẹ đi thăm nuôi cha ở tù, chứng kiến chị hai Nguyễn Trung Nguyệt (bí danh Bảo Lương) bị kết án 5 năm tù giam tại Khám Lớn Sài Gòn, anh trai Nguyễn Viễn Đại bị địch trói còng tay dẫn về tận nhà để tra khảo, uy hiếp nhưng tất cả đều bản lĩnh, kiên định. Truyền thống và nỗi đau của gia đình, của cuộc sống thời chiến đã in hằn trong ký ức tuổi thơ của bà.

Bà Trang thông minh, học giỏi, thích đọc sách, yêu văn chương, biết làm thơ từ nhỏ. Cuối năm lớp ba, bà đã giành được học bổng hạng 5 trong tổng số 15 học sinh xuất sắc nhất tỉnh và bắt đầu đi học xa nhà. Hai năm cuối sơ cấp, bà trọ học ở nhà đồng chí Châu Văn Liêm và trở thành người giao liên bí mật cho anh trai mình.

Khi Pháp đánh chiếm Nam Bộ, giữa khung cảnh hỗn loạn, ly tán, lo lắng cho hai cô con gái chưa yên bề gia thất, mẹ bà hối thúc bà lấy chồng. Để mẹ an lòng, bà đồng ý. Chồng bà là cán bộ Việt Minh, hoạt động tích cực trong phong trào Thanh niên Tiền Phong. Cưới nhau rồi, chồng bà cùng anh rể đi hoạt động cách mạng rất ít khi về nhà. Ngay cả khi bà mang bầu và sinh con trai đầu lòng đặt tên là Bảy Nam, chồng bà cũng chưa được biết. Cuộc sống của mẹ con bà không được yên ổn khi bọn phản động, tay sai trong nước chỉ điểm, lùng sục tìm giết cán bộ Việt Minh. Có lần, khi bà đang ở nhà chị gái thì bọn phản động tìm đến. Chúng nể anh rể bà từng là người hào sảng, độ lượng có tiếng ở vùng nên không ra tay giết hại bà nhưng không muốn chúng lợi dụng mạng sống của mẹ con bà uy hiếp anh rể và chồng mình nên bà đã liều lĩnh ôm con nhảy xuống mái nhà một người quen để thoát thân. Không lâu sau, chồng bà bị bệnh và mất. Thời gian vợ chồng sống chung với nhau chưa đầy 2 tháng. Con chưa biết mặt cha, còn chồng bà cũng chưa kịp biết mình đã có con.

Năm 1949-1950, bà lên Sài Gòn, học ở trường Mỹ Ngọc nữ công và đi làm thêm tại một siêu thị chuyên bán tem phiếu thịt cá đông lạnh và rau củ quả. Không có nhà, bà phải ở nhờ ngoài hàng hiên một cửa tiệm đối diện với rạp hát. Ông chủ cửa tiệm tốt bụng đã cho bà mở một sạp bán báo, tạp chí, sách…Cũng tại sạp báo này, nhân duyên đã đưa bà gặp lại ông Trần Kim Bảng, một chiến sĩ cách mạng, nhà văn, nhà giáo nổi tiếng mà bà đã ngưỡng mộ bấy lâu. Hàng ngày, ông vẫn qua lại mượn sách, báo để đọc và rồi giữa hai người nảy sinh tình cảm. Năm 1952, bà tái giá cùng ông Trần Kim Bảng. Năm 1954, bà sinh cô con gái đặt tên là Bảo Thuận. Hai vợ chồng hoạt động cách mạng bán công khai thông qua viết báo, viết sách và sống nhờ vào đồng lương dạy học. Những năm 1960-1965, phong trào quần chúng lên như sóng trào. Nhận thức tầm quan trọng của báo chí trong đấu tranh cách mạng, năm 1964, bà đã cùng ông Trần Kim Bảng chủ trương ra mắt tuần báo Hồn trẻ và tích cực viết bài, sáng tác truyện giới thiệu, truyền bá những tư tưởng nhân đạo, tiến bộ, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Là một nhà văn, cuộc đời đã trải nhiều nhiều biến cố, trải nghiệm, bà nhìn thấy sức mạnh, thấu hiểu nỗi đau và cả những khát khao của những người phụ nữ trong chiến tranh. Được một cán bộ lãnh đạo Hội Phụ nữ gợi ý, bà nhen nhóm ý tưởng thành lập Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ và bắt đầu viết bài diễn văn, xúc tiến xin giấy phép. Ngày 26/6/1966, Hội chính thức ra mắt, bà Nguyễn Thị Trang là Tổng Thư ký của Hội. Hoạt động của Hội nhằm mục đích đấu tranh vạch tội ác của địch, bẻ gãy luận điệu xảo quyệt, đánh sập uy tín chúng, góp phần hỗ trợ ba mũi giáp công để sớm giành thắng lợi. Hội đã hoạt động rất tích cực và hiệu quả. Trong ba tháng năm 1966, số hội viên đã lên đến 2.000 người và còn phát triển Hội ở một số tỉnh như Cần Thơ, Mỹ Tho, An Giang, Pleiku, Quy Nhơn, Đà Nẵng… Bị nghi ngờ trong khuynh hướng chính trị, một thời gian sau, Hội bị rút giấy phép.

Do có quan hệ kết giao rộng rãi, có danh tiếng và uy tín trong giới văn nghệ sĩ, ông bà đã vận động nhiều nhân sĩ, trí thức rời thành phố vào chiến khu để chuẩn bị thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Khi một số cơ sở cách mạng ở nội thành bị lộ, ông bà được tổ chức đón vào chiến khu, trong khi địch phát lệnh truy nã khắp nơi. Ngôi nhà thân yêu được ông bà cho sử dụng để làm nhà in bí mật của Ban Trí vận - Mặt trận giữa lòng Sài Gòn.

Hoạt động trong Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, bà cùng anh em theo dõi tin tức, diễn biến ở phong trào đô thị. Bà cùng chồng thường xuyên có mặt ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam viết bài tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ, kêu gọi hòa bình, chấm dứt chiến tranh phát trên Đài giải phóng.

Năm 1969, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập. Bà cùng đồng đội làm việc hăng say suốt ngày đêm, đi công tác liên miên. Tiếng nói của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên Đài phát thanh Giải phóng đã gây tiếng vang, ảnh hưởng mạnh mẽ đến với các tầng lớp quần chúng, nhất là đối với giới trí thức Sài Gòn và các tỉnh, thành phía Nam. Sau đó, theo phân công của tổ chức, bà chia tay cô con gái nhỏ đang học ở trường Nguyễn Văn Trỗi rời miền Nam ra miền Bắc nhận nhiệm vụ đi các nước Âu, Á vận động bạn bè quốc tế, những người yêu chuộng hòa bình khắp năm châu ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Năm 1975, đất nước thống nhất, trong niềm vui đại thắng, bà được về lại ngôi nhà thân yêu của gia đình, được gặp lại hai con sau nhiều năm xa cách. Với trọng trách là chủ bút, bà đã cùng cộng sự cho ra đời tuần báo Phụ nữ Sài Gòn. Năm 1976, bà về công tác tại Ủy ban MTTQ TPHCM với vai trò Ủy viên Thường trực cho đến ngày nghỉ hưu.

Nữ sĩ Vân Trang - người cán bộ Mặt trận tài năng, giàu lòng nhân ái, người đã có nhiều đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nay đã đi xa nhưng những tác phẩm thơ, văn, những dòng hồi ký thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước, tình đời, tình người, những trăn trở, khát khao về một thế giới tốt đẹp dành cho phụ nữ và trẻ em cùng với rất nhiều kỷ vật khác của bà vẫn còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần giáo dục, bồi đắp và hun đúc thêm truyền thống yêu nước, phẩm chất và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới.

THU HOÀN