Lan tỏa vẻ đẹp áo dài
Áo dài Việt Nam đã có một quá trình gắn bó lâu dài với người Việt để rồi tới nay vẫn tiếp tục tỏa sáng. Tuy nhiên, để áo dài Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thì vẫn còn đó nhiều trăn trở.
Trong lịch sử, áo dài không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà dành cho cả nam giới. Đó là triều phục, lễ phục tôn nghiêm trong các nghi lễ của triều đình phong kiến. Áo dài còn là trang phục bình dị trong sinh hoạt đời thường.
Sắc màu của dân tộc
Ngày nay áo dài còn là trang phục truyền thống trong những dịp nghi lễ quan trọng của gia đình, dòng họ, cộng đồng hay trong những ngày lễ lớn của dân tộc. Đặc biệt, trong những năm qua, áo dài được phụ nữ mặc ngày càng phổ biến ở trường học, công sở, doanh nghiệp; trong các sự kiện quan trọng của đất nước, trên các diễn đàn quốc tế.
Từ “Áo dài” của Việt Nam đã được đưa vào từ điển Oxford, được các nghệ sĩ trong và ngoài nước sáng tác thành những tác phẩm nghệ thuật có sức lan tỏa, chứa đựng thông điệp về hòa bình, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Trong những năm gần đây, bằng sự nỗ lực, tinh thần tự hào dân tộc, nhiều nhà thiết kế đã đem đến cho chiếc áo dài những vẻ đẹp mới lạ. Nhà thiết kế Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Võ Việt Chung... là những người đã góp phần làm đẹp thêm trang phục áo dài trên làng thời trang khu vực và quốc tế.
Tuy chưa có văn bản chính thức nào quy định áo dài là quốc phục, nhưng từ xưa đến nay, trong tâm thức người Việt Nam và trong mắt bạn bè quốc tế thì tà áo dài được xem là một biểu tượng chứa đựng tinh hoa - văn hoá của dân tộc Việt.
PGS.TS Phạm Văn Dương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhìn nhận, trải qua các giai đoạn lịch sử, áo dài Việt Nam có sự biến đổi qua nhiều kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến phá cách. Áo dài còn được biến chuyển thành áo cưới, áo cách tân… Nhưng ở đâu, dù thế nào thì chiếc áo dài của người phụ nữ Việt vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo mà không trang phục nào mang lại được. Áo dài đã trở thành nét riêng của người phụ nữ Việt Nam và được thế giới thừa nhận. “Với dân tộc Việt Nam, trang phục áo dài đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt, đó là trang phục không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của đất nước, của dân tộc” - ông Dương nói.
Còn nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng, áo dài có đủ “quyền lực” để truyền tải những thông điệp thời đại của Việt Nam đến với thế giới. Cho đến thời điểm này, áo dài đã trở thành niềm tự hào và cũng là một trong những đại diện về bản sắc không thể thay thế. Áo dài đã ghi dấu những giá trị thời đại qua những thông điệp lan tỏa sự tích cực cho cuộc sống
Có thể nói, áo dài Việt Nam đã tạo dựng được thương hiệu riêng và để lại những ấn tượng sâu sắc mỗi khi bạn bè quốc tế nói về đất nước, con người Việt Nam. Thời gian qua, một số địa phương đã có rất nhiều nỗ lực tôn vinh giá trị áo dài. Trong các kỳ Festival Huế, Lễ hội áo dài là một trong những chương trình chính thức với các bộ sưu tập áo dài mang dáng vẻ từ truyền thống đến hiện đại trên các chất liệu vô cùng phong phú, đa dạng… Tại TPHCM, từ năm 2014 đến nay, Lễ hội áo dài được tổ chức định kỳ vào tháng 3 hàng năm với nhiều hoạt động phong phú… Tại TPHCM còn có riêng một bảo tàng về áo dài.
Cần sớm được vinh danh
Mặc dù áo dài có lịch sử hàng mấy trăm năm và phổ biến trong đời sống hiện đại nhưng các giá trị gắn với áo dài vẫn chưa có được vị thế của một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong khi 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO vinh danh, thì có đến hơn nửa liên quan đến áo dài. Từ Nhã nhạc cung đình Huế cho đến Đờn ca tài tử Nam Bộ rồi hát xoan, ví giặm… đều sử dụng áo dài khi biểu diễn (nhiều trường hợp dùng áo dài thay cho áo tứ thân). Mới thấy, hiếm có trang phục dân tộc nào góp phần vào quá trình tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể nhiều như áo dài.
Từng đồng hành trong việc lập hồ sơ công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam bày tỏ, để làm một hồ sơ nói chung về danh sách phi vật thể và hồ sơ áo dài nói riêng có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những khó khăn này phụ thuộc vào từng loại hình. Ví dụ, nếu chúng ta làm về một lễ hội hay nghi lễ thì bản chất nó đã là phi vật thể thì rất dễ làm. Đối với việc làm hồ sơ những cái chúng ta nhìn vào đó là vật thể như áo dài, tranh Đông Hồ thì đòi hỏi chúng ta phải xác định được các khía cạnh thể hiện được hồn cốt di sản đó.
Bà Hiền cũng bày tỏ, mọi người đều nghĩ, áo dài Việt Nam rất xứng đáng. Nhưng phải nhìn nhận rằng, áo dài là hiện vật và chúng ta có thể chạm vào được. Thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia về di sản, các nhà sưu tầm để xem giá trị phi vật thể áo dài là gì để có thể xác định rõ ràng các yếu tố, đưa vào hồ sơ.
Không chỉ vướng mắc trong việc vinh danh, có một thực tế hiện nay đối với công chúng, nhiều người vẫn chưa hiểu biết tường tận lai lịch, những bước thăng trầm và những biến đổi không ngừng của chiếc áo dài để định hình thành một nét văn hóa đặc sắc và biểu tượng trang phục của Việt Nam.
Theo nhà thiết kế Đoan Trang, những năm gần đây, chiếc áo dài đã được sử dụng nhiều hơn. Nhưng vẫn còn quá ít so với những gì mà nó đã mang lại. Để chiếc áo dài phát triển và gắn bó nhiều hơn với mọi người, thì chính quyền, các hộ kinh doanh, các nhà thiết kế cũng như người sử dụng phải hiểu hơn về giá trị của chiếc áo dài cũng như trách nhiệm giữ gìn và phát huy giá trị của nó. Nên sử dụng chiếc áo dài nhiều hơn, vì chính nó đã đem lại giá trị cho người mặc cũng như để lại ấn tượng đẹp với những phẩm chất cao quý, là hồn cốt của một dân tộc.
“Về phía các cơ quan quản lý cần khuyến khích các cơ quan, ban ngành, các giáo viên, sinh viên, học sinh sử dụng áo dài nhiều hơn. Nhất là ở các hội nghị, các tổ chức, các sự kiện... Nên tổ chức các cuộc thi về hình ảnh chiếc áo dài, tổ chức nhiều sự kiện liên quan chiếc áo dài như diễn thời trang áo dài, sáng tác mẫu áo dài...” - nhà thiết kế Đoan Trang đề xuất.
Có thể nói, với người Việt, chiếc áo dài không chỉ là một chiếc áo đơn thuần, mà nó chứa đựng cả tình yêu quê hương đất nước. Tuy nhiên, làm sao để chiếc áo dài được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là nỗi trăn trở trong mỗi chúng ta.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc bảo vệ, phát huy giá trị trang phục áo dài là công việc vô cùng cần thiết và cấp bách đối với các cơ quan quản lý, đối với cộng đồng và các nghệ nhân. Đưa áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là điều mong mỏi của rất nhiều người. Trước mắt phải xác định cộng đồng gắn với áo dài là ai, là những người thiết kế áo dài, mặc áo dài, hay may áo dài…