Tinh hoa Việt

Hội chợ sách

TRẦN HỮU THĂNG 11/03/2024 05:56

Cuối năm 2023 một người bạn ở Pháp về Việt Nam ăn Tết đã tặng tôi cuốn “Sống mãi với quá khứ” do nhà triết học đương đại của Pháp là Charles Pépin viết, nhà xuất bản Allary - Paris phát hành tháng 9/2023. Trong sách có đoạn viết: “Tuổi trẻ, sách, những kỷ niệm vui buồn sẽ không bao giờ mất đi, nó vẫn đang sống cùng chúng ta”.

Năm 2011 nhân dịp đi họp Đại hội đồng Hội Y học thế giới ở Montévidéo, thủ đô nước Cộng hòa Uruguay xinh đẹp ở Nam Mỹ, tôi cùng các đại biểu quốc tế hết sức ngạc nhiên khi được đi thăm Hội chợ sách. Tại đây tôi mua được một cuốn sách cổ, xuất bản cách đó 100 năm, đó là cuốn “Đôn-ki-Hốt-Tê của tác giả Tây Ban Nha, ông Cervantès.

Bài viết nhỏ này xin nói về sách và những sức sống mãnh liệt đến kỳ lạ của nó.

“Bao giờ sách cũng có nhiều trí tuệ hơn những người mà ta gặp”.
Triết gia Albany

Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Sách là tập hợp một số lượng nhất định những tờ giấy có chữ in, đóng gộp lại thành quyển. Thí dụ: Sách khoa học kỹ thuật. Sách giáo khoa. “Nói có sách, mách có chứng” (tục ngữ)”. “Sách giáo khoa là sách soạn theo chương trình giảng dạy ở trường học”. “Sách vở là: 1/ Sách và vở, tài liệu học tập, nghiên cứu (nói khái quát). Thí dụ: Chuẩn bị sách vở cho ngày khai trường. Vùi đầu vào sách vở. 2/ Lệ thuộc vào sách vở, thoát ly thực tế. Thí dụ: Kiến thức sách vở. Con người sách vở”.

Dưới con mắt của các nhà triết học, sách được nhìn nhận dưới nhiều góc cạnh khác nhau.

Trước hết phải nói đến những ý kiến rất đặc biệt của đại triết gia Joseph Joubert (1754 - 1824) khi ông để lại cho đời hai danh ngôn về sách gây rất nhiều tranh luận sau đây. Danh ngôn thứ nhất của Joubert là: “Sách cho chúng ta những vui sướng lớn lao, còn con người làm cho chúng ta đau đớn vô hạn”. Câu này đúng hoàn toàn vì chỉ có con người với bản năng tham lam, ích kỷ mới hãm hại, làm khổ, đầy đọa lẫn nhau một cách trực tiếp và cụ thể, chứ còn sách dù có độc hại đến đâu cũng chỉ ảnh hưởng được đến một số người đọc do thiếu trình độ, thiếu hiểu biết, thiếu suy xét cẩn thận mà thôi.

Nhìn chung, sách đã được xuất bản phần lớn là tốt đẹp vì đã được kiểm duyệt bởi nhiều cơ quan có thẩm quyền, nên việc bỏ sót sách độc hại chỉ là rất thiểu số, tuy vậy cũng nên thận trọng đề phòng là hơn.

12ok.png
Tranh minh họa. Nguồn: ITN

Danh ngôn thứ hai về sách của Joubert là: “Cái hại lớn của những sách hiện đại là ngăn trở ta đọc những sách đã xuất bản từ các thế kỷ trước”. Câu này cần phải bàn luận vì:

Nhận xét của Joubert là ý kiến từ đầu thế kỷ XIX nên khác so với thời gian trước, lúc mà khoa học kỹ thuật mới bắt đầu phát triển ở châu Âu và châu Mỹ, nên có thể những sách cũ, kiến thức cũ không còn phù hợp nữa, vì vậy nếu người đọc cứ vẫn khăng khăng theo sách cũ, có khi bị lạc hậu.

Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt. Những gì mà đầu thế kỷ XIX cho là đúng nhưng sang đến thế kỷ XX lại có những thay đổi lớn thì sao? Vì thế việc Joubert nhận xét là rất cần thiết, nhưng nhất thiết phải thận trọng xem xét và theo dõi sự tiến bộ của khoa học, của xã hội ở những thời điểm khác nhau, có lúc chênh lệch nhau hàng mấy chục năm, có lúc hàng trăm năm thì càng phải thận trọng xét đoán.

Tiếp tục bàn luận về sách, cần trích dẫn cùng lúc hai tác giả lớn sau đây:

Triết gia Albany đã khẳng định: “Bao giờ sách cũng có nhiều trí tuệ hơn những người mà ta gặp”. Còn triết gia Sébastien Chamfort (1741 - 1794) thì mở rộng tầm nhìn cho người đọc qua câu danh ngôn: “Không phải chỉ sống với người sống mà phải sống cả với người chết, nghĩa là sống với sách”. Qua hai tác giả này ta đều thấy rõ: Tuy cá nhân các nhà khoa học có những giá trị nhất định, song so với sách cần suy nghĩ sâu hơn. Sách sau khi đã được các Hội đồng thẩm định, có Ban Biên tập hiệu đính sửa đổi, tất nhiên sẽ hoàn chỉnh và có những giá trị lớn, đáng để lưu trữ lại tại các Thư viện chuyên ngành hoặc thư viện Quốc gia. Vì thế khi cần trích dẫn từ sách, bạn đọc sẽ có độ tin cậy hơn là từ các phát ngôn cá nhân.

Chúng ta đang sống ở thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, nghĩa là chẳng có ai may mắn được trò chuyện hoặc được nghe giảng trực tiếp từ các đại văn hào ở những thế kỷ trước như William Shakespeare, Victor Hugo, Maxime Gorki, Lỗ Tấn, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương...

Các vĩ nhân này đã đi xa, nhưng hàng ngày ta vẫn gọi tên họ, trích dẫn họ, vui buồn mỗi khi đọc lại tác phẩm của họ. Như thế chẳng đúng là khi ta đọc sách là chúng ta đang sống với các vị đáng kính đó dù họ đã khuất núi.

Nhà khoa học Ralph Waldo Emerson còn nói rõ sự khó nhọc và tỉ mỉ, cần cù của việc đọc sách. Nếu không có đôi mắt tinh tường và mang tính “tư duy phản biện” thì chúng ta tuyệt đối không bao giờ nhìn thấy vẻ đẹp, vẻ hấp dẫn của thiên nhiên và của sách. Emerson đã nhấn mạnh: “Thiên nhiên và sách thuộc về những đôi mắt đã thấy chúng”. Đây là một định đề triết học kỳ lạ, vì đa số con người nhìn nhưng không thấy. Nhìn và thấy là hai quá trình, hai giai đoạn khác nhau.

Thí dụ: Tôi nhìn rất kỹ những người xuống ga tàu hỏa nhưng chưa thấy người quen mà tôi muốn gặp. Thiên nhiên lúc nào cũng có khi nắng, khi mưa, khi gió dữ dội, nhưng cũng có ngày trăng thanh, gió mát, hoa nở, chim hót líu lo. Sách cũng vậy.

Ở Thư viện Quốc gia đầy ắp biết bao nhiêu là sách. Phòng đọc sách lúc nào cũng chật ních bạn đọc từ trẻ đến già. Nhưng lúc ra về, biết gặt hái, thu lượm những tinh hoa từ sách, phải chăng chỉ là những đôi mắt cần cù, chịu khó, nhẫn nại học hỏi ngày này qua ngày khác. Họ không chán nản, không bỏ cuộc thì mới làm bạn được với sách, với những tinh hoa mà nhân loại đã để lại cho các thế hệ sau.

Triết gia Henry David Thoreau đã định nghĩa rất chuẩn xác về sách như sau: “Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và của các quốc gia”. Nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá đây là một định nghĩa về sách đầy đủ và ngắn gọn nhất từ trước đến nay.

Tại những thư viện được xem là vĩ đại nhất thế giới vì độ phong phú về những tư liệu sách và các xuất bản phẩm về sư phát minh lâu đời nhất của con người trên trái đất cho đến nay phải kể đến: Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ (Library of Congress), Thư viện Đại học Oxford (Vương quốc Anh), Thư viện Đại học Lomonosov (Moskva - Liên bang Nga). Tại những thư viện khổng lồ này người ta có thể tìm thấy những tấm bản đồ đầu tiên, những kỹ nghệ chế tạo ra giấy, ra máy in, ra máy chữ, ra máy hơi nước, máy phát điện đầu tiên trên thế giới.

Tiếp tục bàn luận về sách ta còn gặp nhiều ý kiến thú vị và xác đáng thúc dục chúng ta học hỏi và theo đuổi không biết mệt mỏi đối với sách.

Triết gia Christine de Pisan đã nghiêm khắc giao hẳn nhiệm vụ đọc sách, nghiên cứu sách cho người trí thức, cho người làm khoa học kỹ thuật khi ông viết: “Đọc sách là một phần đối với bổn phận của người trí thức”. Trong các gia đình trí thức nề nếp, nhà nào cũng có thư viện gia đình dù to dù nhỏ. Thế là từ lúc còn rất nhỏ, các cậu bé, cô bé đã làm quen với hình ảnh của cha, mẹ, anh, chị hàng ngày chăm chỉ với cái thư viện nhỏ bé, thân quen, đầm ấm để tìm tòi kiến thức, để tìm tòi niềm vui mà nhân loại, mà các thế hệ trước đã để lại và bây giờ là lúc con cháu được thừa hưởng.

Và cứ thế, theo ngày, theo tháng, cùng với tiến bộ mỗi năm một lớp ở các trường phổ thông, con người trí thức dần dần được định hình vào từng cá thể ham học hỏi, ham hiểu biết và việc đọc sách trở thành một hứng thú, một đam mê, một nghĩa vụ, một bổn phận.

Ai cũng biết một cuốn sách hay là một người bạn tốt và không bao giờ sách, tức người bạn tốt ấy, phản bội lại chúng ta. Vì thế, ở một thư viện địa phương nọ, người ta viết một khẩu hiệu vui nhưng không kém phần triết lý là: “Một cuốn sách hay để trên giá sách là một người bạn, dù quay lưng lại nhưng vẫn là bạn tốt”. Chao ôi, chỉ cần cái gáy bìa cuốn sách, cái lưng của cuốn sách cũng dạy ta thêm được bài học xử thế ở đời.

Đến đây cần nhấn mạnh hai lợi ích rất thiết thực của việc đọc sách qua hai danh ngôn của hai triết gia khá quen thuộc. Tác giả Marquise de Sévigné đã thẳng thắn ca ngợi việc đọc sách: “Không có sự an ủi của việc đọc sách, chúng ta sẽ chết sớm vì buồn chán”. Điều này là có thật và đã được kiểm chứng qua nhiều thế hệ bạn đọc trong mọi xã hội văn minh, hiện đại.

Tác giả cận đại danh tiếng, ông Georges Duhamel (1884 - 1966) đã để lại một danh ngôn rất thực tế, rất đúng đắn khi ông viết: “Sách là bạn thân của sự cô tịch. Nó nuôi dưỡng sự cởi mở của từng cá tính con người. Trong việc đọc sách một mình, người ta tự soi xét mình. Và, biết đâu, trong một vài cơ hội, mình lại gặp được mình”. Nhận xét thú vị này của Duhamel đáng để hậu thế kính phục mãi mãi.

Trở lại với nhận xét rất đặc biệt về sách của triết gia đương đại Charles Pépin ở đoạn đầu bài viết, ai đến Việt Nam vào đầu xuân Giáp Thìn này mới thấy rõ cái không khí nhộn nhịp đi mua sách, đi chọn sách, đi tham quan các triển lãm sách ở Phố sách Hà Nội, ở đường sách Nguyễn Huệ tại TPHCM và hàng trăm câu lạc bộ sách, điểm đọc sách, triển lãm sách ở các tỉnh thành và các nơi vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa của đất nước. Ai ai cũng tin chắc rằng Pépin đã nói đúng: “Sách không bao giờ mất đi, nó vẫn đang sống cùng chúng ta”.

TRẦN HỮU THĂNG