Kinh tế

Thị trường vàng tiếp tục rung lắc

H.Hương – P.Vân 09/03/2024 07:22

Giá vàng trong nước liên tục thiết lập kỷ lục mới. Nguyên nhân được lý giải, không chỉ do đà tăng của vàng thế giới mà còn do tình trạng khan hiếm vàng trong nước khi doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu.

anhtren(1).jpg
Giá vàng liên tục lập đỉnh, nhiều nhà đầu tư chuyển hướng quan tâm sang kênh kim loại quý. Ảnh: Quang Vinh.

Giá vàng cao chót vót

Giá vàng tăng gần 82 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn tròn trơn cũng tăng cao nhất lịch sử đã khiến cho nhu cầu vàng tăng cao. Tại một số cửa hàng vàng, tái diễn cảnh xếp hàng chờ đến lượt mua vàng. Tại phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), số lượng người chọn mua vàng nhẫn tròn trơn ở Bảo Tín Minh Châu đông hơn các cửa hàng khác. Nhiều thời điểm, người mua phải xếp hàng chờ đến lượt.

Một nhân viên của Bảo Tín Minh Châu cho biết, lượng khách giao dịch trong những ngày gần đây nhộn nhịp hơn so với trước Tết.

Trong ngày 8/3, vàng 9999 tiếp tục đà tăng với mức tăng khoảng 100 nghìn đồng mỗi lượng.

Cụ thể, vàng nhẫn 9999 của SJC niêm yết tại cửa hàng từ 67,00 – 68,25 triệu đồng/lượng; nhẫn tròn trơn Bảo Tín Minh Châu 67,78 – 68,98 triệu đồng/lượng; nhẫn DOJI Hưng Thịnh Vượng 9999 ở mức 67,70 – 68,95 triệu đồng/lượng...

Với vàng miếng SJC, sáng 8/3, Bảo Tín Minh Châu niêm yết mức 79,75 – 81,65 triệu đồng/lượng; Phú Quý 79,80 – 81,80 triệu đồng/lượng; PNJ 79,85 – 81,80 triệu đồng/lượng…

Như vậy, chỉ tính trong hơn 2 tháng đầu năm, giá vàng SJC trong nước đã tăng mạnh tới hơn 8 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng hơn 7 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Trong khi vàng nhẫn cũng tăng thêm khoảng 5 triệu đồng/lượng.

Quan sát thị trường thấy rõ, vàng nhẫn tròn trơn 24K được nhiều người dân chú ý trong khoảng thời gian gần đây, sau các chỉ đạo của Thủ tướng về việc hạ chênh lệch giá vàng miếng SJC với thế giới. Mặt hàng này gần đây có những thời điểm rơi vào tình trạng khan hiếm, như giai đoạn sau Tết Nguyên đán đến ngày vía Thần Tài.

Theo phân tích của các chuyên gia, về bản chất, nhẫn trơn 24K là loại vàng nguyên chất hay còn được gọi là vàng ta, tương tự như vàng miếng. Cùng hàm lượng như nhau song nhẫn tròn trơn không được "gắn mác" độc quyền bởi nhà nước, thông qua thương hiệu SJC như vàng miếng. Điều này cũng dẫn đến sự chênh lệch cả chục triệu đồng giữa mỗi lượng nhẫn tròn trơn và vàng miếng SJC.

Phân tích về đà tăng của thị trường vàng, theo đại diện Hội đồng Vàng thế giới (WGC), một trong những nguyên nhân đến từ nhu cầu dự trữ của các ngân hàng trung ương. Theo WGC, tổng nhu cầu về vàng trong năm 2023 (tính cả thị trường OTC và các nguồn dự trữ vàng) đã tăng lên mức kỷ lục cao nhất là 4.899 tấn. Lượng giao dịch mua vàng thuần của khối này năm 2023 đạt 1.037 tấn, gần đạt mức kỷ lục năm 2022, chỉ ít hơn 45 tấn.

Theo ông Shaokai Fan - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại WGC, xu hướng mua ròng vàng của khối ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục trong năm 2024, do chính sách tiền tệ có xu hướng nới lỏng ở các quốc gia. Đây là yếu tố thúc đẩy giá vàng thời gian tới. Xu hướng này chỉ đảo có thể ngược khi xảy ra khủng hoảng tài chính quy mô lớn, buộc ngân hàng trung ương các nước phải bán vàng dự trữ. Tuy nhiên, khả năng này là khó xảy ra.

Sửa Nghị định 24 theo hướng nào?

Việc thị trường vàng trong nước nóng lên từ đầu năm đến nay một lần nữa lại khiến nhiều người sốt ruột về việc sửa Nghị định 24/2012 (Nghị định 24) của Chính phủ về việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đại diện Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại WGC cho rằng, sẽ phải cân nhắc nhiều phương án khác nhau trong sửa đổi nội dung Nghị định 24, trên cơ sở không làm gián đoạn thị trường vàng. Theo vị này, cho phép nhập khẩu vàng cũng sẽ giúp kéo giảm khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Giới chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên cho phép nhập khẩu vàng trở lại, để đáp ứng nhu cầu sản xuất vàng trong nước. Không chỉ vàng miếng, mà cả vàng nhẫn, vàng trang sức... Và để giải bài toán nguồn cung vàng miếng, thì cho phép sự tham gia của nhiều đơn vị, nhiều thương hiệu vàng khác nhau. Nhằm đa dạng nguồn cung, tạo sự cạnh tranh trên thị trường.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thị trường vàng trong nước đang đi thụt lùi so với thế giới, nên cần thay đổi tư duy cùng những giải pháp căn cơ và mang tính chiến lược. Sự e ngại của nhà quản lý là việc thay đổi cơ chế quản lý thị trường, để phù hợp với thông lệ quốc tế, nếu quản lý không tốt sẽ làm cho thị trường vàng bất ổn. Sự e ngại này là đúng, nhưng vẫn cần tin tưởng và mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng.

Theo đó, cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. Cùng với đó, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức - mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh được xem là yếu tố cần thiết. Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng, mà không nên tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp, cần tạo “sân chơi” bình đẳng cho các doanh nghiệp.

“Ngân hàng Nhà nước cần sửa đổi Nghị định 24 để loại bỏ những bất cập hiện nay. Việc sửa đổi cần đánh giá kỹ lưỡng, xem xét kỹ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự đồng thuận trong xã hội. Chính sách và các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng cần linh hoạt với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế, không có một chính sách, một biện pháp nào đúng cho mọi giai đoạn. Ngân hàng Nhà nước cần nhận thức được sự chuyển động và đòi hỏi không ngừng của nền kinh tế, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu quản lý với lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong đó lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu” – chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.

H.Hương – P.Vân