Chứng khoán hút nhà đầu tư
Tính đến cuối tháng 2/2024, Việt Nam có gần 7,5 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7,5% dân số.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán trong nước đã tăng thêm 113.175 tài khoản trong tháng 2/2024, thấp hơn so với tháng đầu năm (125.169 tài khoản). Dù vậy, con số này vẫn phản ánh lượng nhà đầu tư tham gia thị trường khá tích cực khi tháng 2 chỉ có 29 ngày đồng thời trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.
Xét về cơ cấu, số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm trong tháng 2/2024 chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 113.097 tài khoản. Trong khi đó, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 78 tài khoản.
Như vậy, sau giai đoạn sụt giảm do hoạt động rà soát và thanh lọc của các cơ quan chức năng về dữ liệu người tham gia chứng khoán, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng trở lại trong 3 tháng gần đây. Tính đến cuối tháng 2/2024, Việt Nam có gần 7,5 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7,5% dân số.
Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 mới được Chính phủ phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Còn tại hội nghị triển khai nhiệm vụ thị trường chứng khoán năm 2024 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành cần quyết liệt đẩy mạnh các giải pháp để Việt Nam nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025.
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank phân tích rằng một trong những lợi ích lớn nhất của việc nâng hạng chính là thu hút thêm dòng vốn ngoại. Bởi tỷ trọng giao dịch của khối ngoại hiện chỉ chiếm khoảng 10% - 15% toàn thị trường, trong khi con số này trước đây luôn là 30% - 40%. "Để tạo sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán nhằm đáp ứng điều kiện nâng hạng, cần bổ sung thêm hàng hóa chất lượng là các doanh nghiệp ở những nhóm ngành công nghệ, trí tuệ nhân tạo, năng lượng xanh, sạch… góp phần thu hút vốn ngoại" - ông Khánh nói.
Làm sao để hấp thụ được hàng tỷ USD vốn ngoại chảy vào thị trường và doanh nghiệp khi nâng hạng cũng là một bài toán. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở nhiều doanh nghiệp niêm yết là rất thấp, ở các doanh nghiệp có tỷ lệ vốn ngoại cao lại nảy sinh không ít tranh chấp.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, lộ trình nâng hạng chứng khoán của Việt Nam còn đang vướng ở khâu kỹ thuật như xem xét của các quỹ chỉ số, xem xét về vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ cổ phiếu nhà đầu tư có thể mua bán được, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài…
Khi nâng hạng, tiêu chí về vốn hóa, thanh khoản sẽ là điểm cộng cho những cổ phiếu vốn hóa lớn, các nhóm ngành có giá trị vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản, sản xuất thực phẩm, vận tải.
Nâng hạng cũng sẽ tác động đến thanh khoản của thị trường, thanh khoản của cổ phiếu vốn hóa lớn khi các quỹ đầu tư nước ngoài giao dịch nhiều hơn. Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng khẳng định được là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp, cho nền kinh tế và là kênh đầu tư hấp dẫn, kênh tích sản hiệu quả cho nhà đầu tư.
Tính tới cuối tháng 2/2024, vốn hóa thị trường cổ phiếu đã đạt gần 270 tỷ USD, tương đương gần 63% GDP ước tính năm 2023; với hơn 1.600 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và đăng ký giao dịch.