Giáo dục

Sử dụng điện thoại trong lớp học: Sát sao trong quản lý, hướng dẫn

Hàn Minh 09/03/2024 07:15

Sự việc một học sinh ở Quảng Ninh nhảy từ tầng 4 xuống sân trường sau khi bị giáo viên môn Vật lý lập biên bản tịch thu điện thoại đặt ra vấn đề học sinh với công nghệ, xử phạt vi phạm của học sinh tại trường học như thế nào là hợp lý.

anh-thay-bai-tren.jpg
Học sinh Trường THPT Gia Định (TPHCM). Ảnh: G.Đ.

Học sinh với điện thoại

Sáng 22/2, một học sinh lớp 8 của trường THCS Nguyễn Văn Thuộc (phường Hà Lầm, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) đã bất ngờ đi lên tầng 4 và trèo qua lan can, nhảy xuống sân trường. Ngay sau đó, nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh. Được biết, trong tiết học thứ ba của ngày hôm đó là môn Vật lý, học sinh này có sử dụng điện thoại và bị cô giáo tịch thu. Sau đó, giáo viên bộ môn Vật lý đã gọi cô giáo chủ nhiệm lớp lên và lập biên bản sự việc.

Trên thực tế, việc học sinh mang điện thoại nói riêng và thiết bị công nghệ nói chung đến trường không phải là chuyện hiếm. Nhiều gia đình đã trang bị cho con điện thoại di động để sử dụng và phần lớn là điện thoại thông minh với nhiều tính năng tiện ích như gọi điện, nhắn tin, vào mạng…

Đặc biệt, sau khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, việc học online với thầy cô giáo ở trường hoặc các phần mềm học trực tuyến trở nên phổ biến. Chưa kể, nhiều thông báo về bài tập, chuẩn bị bài, nhắc nhở… của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn hiện nay cũng được cập nhật thông qua các nhóm Zalo… nên dù không dễ kiểm soát nhưng nhiều phụ huynh vẫn sắm riêng cho con em mình một chiếc điện thoại. Kỳ vọng đặt ra là học sinh sẽ sử dụng thiết bị này một cách thông minh và hữu ích.

Tại trường học, nhiều giáo viên cũng sử dụng các ứng dụng có sẵn bài học để giảng và giao bài tập về nhà, bài tập nhóm trên lớp cho học sinh. Tuy nhiên theo quy định của từng trường, học sinh có thể bị cấm mang điện thoại tới lớp hoặc được mang điện thoại nhưng quy định giờ được sử dụng, như vào giờ ra chơi, giờ tan học, khi có việc khẩn cấp cần liên lạc với người nhà… Trong giờ học, nếu không có sự đồng ý của giáo viên học sinh không được sử dụng điện thoại là quy định bắt buộc ở mọi lớp học để hạn chế việc học sinh không tập trung vào bài giảng.

Dẫu vậy, sức hấp dẫn của một chiếc điện thoại thông minh là rất lớn, đặc biệt là với những em học sinh tuổi mới lớn đang tò mò, ham khám phá nếu không nhắc nhở, hướng dẫn sát sao có thể trở thành một người nghiện điện thoại.

Phương pháp răn đe hợp lý

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, từ lâu việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học đã có, và cho đến hiện tại vẫn là một cuộc tranh luận không có hồi kết. Bên phản đối và bên ủng hộ đều có lập luận của mình.

Chẳng hạn, người ủng hộ không sai khi cho rằng hiện nay là thời đại công nghệ số. Không thể cấm học sinh sử dụng điện thoại mà là có sự hướng dẫn, kế hoạch sử dụng hợp lý, thống nhất., đặc biệt là có những tiết học cần đến sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật số trong lớp, chẳng hạn như tiết học Tin học, tìm kiếm các tài liệu phục vụ cho bài học… Thậm chí, nhiều kỳ thi hiện nay trên thế giới cho phép người học sử dụng thiết bị công nghệ để làm bài nên không thể cấm mãi.

Trong khi đó, những người phản đối cho rằng việc sử dụng điện thoại trong lớp làm học sinh xao nhãng học tập, thiếu tập trung vì điện thoại thông minh có nhiều tính năng như nhắn tin, nhiều trò chơi điện tử hấp dẫn đến nỗi người lớn cũng khó cưỡng lại sức hút của nó. Và việc chuẩn bị bài học, tìm kiếm thông tin… hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà, trước khi đến lớp, còn thời gian trên lớp là dành để học tập, thảo luận với bạn bè và thầy cô giáo.

“Cuộc tranh luận về việc cho phép hay không cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng gặp phải. Tôi cho rằng, dù cấm hay không thì mỗi nhà trường đều có nội quy và mọi học sinh phải tuân theo. Mỗi giáo viên cũng có quy định riêng đối với tiết học của mình và yêu cầu các em học sinh phải nghiêm chỉnh chấp hành. Vấn đề là quy tắc này phải được thống nhất ngay từ đầu buổi học, để mọi học sinh trong lớp hiểu điều này và nghiêm túc chấp hành trong sự vui vẻ, tự nguyện” - ông Lâm nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh sẽ có những học sinh không tuân thủ quy định, đó là điều bình thường trong môi trường giáo dục. Trách nhiệm của giáo viên đó là phát hiện và xử lý những vi phạm này một cách thuyết phục, khiến các em “tâm phục khẩu phục”, không tái phạm nữa chứ không phải là tạo ra sự chống đối, thậm chí cảm xúc tiêu cực ở học sinh. Đây là một việc “nói thì dễ, làm thì khó”, bởi trong mỗi tình huống vi phạm khác nhau, cần sự ứng xử khác nhau và không học sinh nào giống học sinh nào. Giáo viên cần nắm bắt được tâm lý học sinh, xử phạt lỗi vi phạm nhưng không làm tổn thương học sinh.

Hàn Minh