Phân loại phim theo độ tuổi: Tạo môi trường lành mạnh cho trẻ em
Việc phân loại phim theo độ tuổi và hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo nội dung phim là biện pháp bảo vệ trẻ em và có ích cho xã hội.
Xử lý nghiêm để bảo vệ trẻ em
Phim “Mai” của Trấn Thành là một trong những bộ phim hot trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây là tác phẩm gắn nhãn T18 (dành cho khán giả từ 18 tuổi trở lên). Chính về thế, khi xuất hiện thông tin khán giả dưới 18 tuổi “lọt” vào phòng chiếu phim này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận liên quan đến việc kiểm soát độ tuổi người xem được thực hiện như thế nào tại các rạp chiếu phim. Sau khi có thông tin phản ánh, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra.
Đây là vấn đề đã được quy định rất rõ tại Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023, theo đó có các mức xếp loại phim bao gồm: P - Phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng khán giả; K - Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên.
Như vậy, Luật Điện ảnh sửa đổi đã rất chú trọng đến vấn đề bảo vệ trẻ em khi đưa ra các mức độ phân loại phim theo độ tuổi. Ông Lê Thanh Liêm - Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, từ trước đến nay, Thanh tra Bộ VHTTDL thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, những vấn đề báo chí phát hiện phản ánh đều đã được kiểm tra và xử lý.
TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nhận định, những bộ phim được dán nhãn 18+ có những nội dung, hình ảnh không phù hợp với độ tuổi, khi xem các em chưa nhận thức được hết thì có thể dẫn đến những suy nghĩ và hành vi không phù hợp với độ tuổi. Việc quản lý vấn đề này đã được thể chế hóa, các rạp chiếu phim có trách nhiệm trong việc kiểm soát để tuân thủ các quy định này.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, từ trước đến nay, việc thực hiện phân loại phim chưa triệt để cả ở phim ở rạp và phim chiếu trên các nền tảng số. Mặc dù có thể có giới hạn nhưng cuối cùng trẻ em vẫn có thể tiếp cận xem phim một cách bình thường. Thậm chí phụ huynh không ý thức được vấn đề đó. Chính vì vậy mà có những bộ phim giới hạn độ tuổi vẫn để xảy ra tình trạng “lọt” trẻ dưới 18 vào phòng chiếu.
Nâng cao trách nhiệm của phụ huynh
Việc để lọt khán giả nhỏ tuổi xem phim dán nhãn là một vấn đề nghiêm trọng, cần có sự vào cuộc từ nhiều phía để giải quyết. Trong đó, phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng trong việc quan tâm, can thiệp vào việc xem phim của trẻ nhỏ. Sự hiểu biết và kiểm soát từ phụ huynh giúp trẻ em luôn tiếp cận nội dung phim phù hợp với độ tuổi của mình.
Theo ông Nam, chính sự lơ là của một số không ít phụ huynh đã tạo điều kiện để các em nhỏ có cơ hội tiếp cận những tác phẩm, nội dung không đúng lứa tuổi. Nhiều khi các bậc phụ huynh chưa ý thức được một cách rõ ràng những thông tin mà các con tiếp cận trên truyền hình hoặc nền tảng số… có thể ảnh hưởng đến đứa trẻ như thế nào. Nếu đứa trẻ tiếp cận với nội dung bạo lực hoặc nội dung vượt lứa tuổi thì có thể để lại ấn tượng không phù hợp với đứa trẻ hoặc sẽ trở thành những khuôn mẫu, hành vi không phù hợp mà đứa trẻ có thể bắt chước khi chưa ý thức được hết về trách nhiệm. Có những phụ huynh đã nhìn thấy quy định liên quan đến tuổi nhưng nhiều khi vẫn cố tình cho con được vào xem. Từ việc nhận thức của họ không đầy đủ và ý thức một cách nghiêm túc, đến sự phát triển với những đứa con của mình.
“Bố mẹ cần trang bị cho con “vaccine số” vì với phim phát hành không chỉ ở rạp mà ngay cả trên mạng xã hội thì khi những đứa trẻ không có ý thức, sự tự giác thì chúng sẽ tìm kiếm những bộ phim nội dung không phù hợp. Phải dạy cho con các kỹ năng để sống an toàn trên không gian mạng. Để những đứa trẻ không chủ động tìm kiếm, tải xuống những video đó…” - ông Nam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Khuất Thu Hồng cho rằng, phụ huynh có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn con em mình tiếp cận những sản phẩm văn hóa phù hợp. Hiện nay, trẻ em dễ tiếp cận những phim nội dung của người lớn không phù hợp trên không gian số. Vì vậy cha mẹ chính là người nhắc nhở, giám sát thường xuyên và giải thích để đảm bảo con mình không xem những sản phẩm đó.
Theo Luật sư Lại Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH LLA Legal, phim dán nhãn 18+ chỉ được phổ biến nếu người xem là từ đủ 18 tuổi trở lên. Cơ sở điện ảnh phổ biến phim, chiếu phim trong rạp chiếu phim phải bảo đảm người xem phim đúng độ tuổi theo phân loại phim. Việc bảo đảm người xem phim đúng độ tuổi không khó, có thể tiến hành từ khâu bán vé cho đến khâu kiểm tra, kiểm soát vé vào cửa rạp chiếu phim của người xem. Nếu cơ sở chiếu phim không thực hiện đúng quy định thì có thể bị xử phạt tiền với mức từ 60 đến 80 triệu đồng, căn cứ theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 128/2022/NĐ-CP.