Thú câu ba ba trên đồng đất Đoan Hùng
Trong bóng đêm mờ mờ, chiếc cần câu cắm bên bờ ruộng bỗng giật đùng đùng, đọt cần bị níu cong vút. Hùng bật dậy, giọng đầy phấn khích: ba ba dính câu rồi.
Đoan Hùng, Phú Thọ là vùng trung du, đồng ruộng đan xen với đồi rừng. Dưới chân những quả đồi thường có lạch nước dẫn ra cánh đồng, thỉnh thoảng lạc mở rộng thành cái ao, có những hùm sâu vài mét. Đó là nơi ba ba thường trú ngụ.
Đặng Đình Hùng, 45 tuổi, sinh ra và lớn lên ở khu Cầu Hai, Chân Mộng (Đoan Hùng), làm nghề buôn bán, vợ có cửa hàng may. Thú vui lúc rảnh rỗi của anh là câu cá, săn ba ba. Những lạch nước ở xã Minh Phú, Vụ Quang dẫn nước từ trên núi, đồi chảy xuống, thông ra sông Lô nên thường có tôm cá, ba ba từ sông đi ngược vào đồng.
Người ta nói, xưa kia, những khu vực ven sông lớn của Phú Thọ như Đoan Hùng, Hạ Hòa hay Tam Nông, Thanh Thủy thường có nước sông ra vào nên lắm tôm cá, ba ba. Những đầm lớn như Ao Châu, Dị Nậu thông với sông Hồng và sông Đà còn có loài ba ba khổng lồ mà dân gian gọi là con giải, có thể nặng hàng tạ. Miệng giải rộng đến tai, bởi thế dân trong vùng mới có câu “mồm loa mép giải”, ý nói người điêu ngoa, mồm miệng lúc nào cũng tươm tướp.
“Nay thì không còn giống giải ấy, chỉ còn ba ba khoảng vài kg/con thôi”- anh Hùng nói.
Anh Hùng xách cuốc ra sau nhà, nơi có vườn bưởi, bới đất tìm mồi câu. Để câu được ba ba, cần tìm loại giun đất lớn cỡ ngón út người lớn, dài 20-30cm.
“Có nhiều kiểu làm mồi câu ba ba. Người thì dùng thịt lợn, có người dùng thịt bò, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, ba ba tự nhiên không kén mồi, miễn là thịt, cá hay thứ gì tương tự đều câu được” - Hùng cho hay. Điều cốt yếu, theo tay thợ săn, là tìm đúng chỗ có ba ba. Những điểm câu ấy phải đảm bảo xa khu dân cư, có vụng nước sâu. “Ba ba cũng như các loài dưới nước khác, cần chỗ trú ngụ an toàn, phù hợp với thể trạng và có nguồn thức ăn, vậy thôi”- Hùng phân tích.
Theo kinh nghiệm của cần thủ Hùng, ba ba thích những nơi sông suối nước chảy chậm, có nhiều bùn. Ban ngày, chúng dành phần lớn thời gian trong nước, lâu lâu mới nổi lên thở hoặc lên bờ phơi nắng. Thức ăn tự nhiên của chúng là cá, tôm, cua, ốc, và các động vật thủy sinh khác. Theo anh Hùng, cần câu ba ba không có gì đặc biệt, chỉ cần khỏe và có gác cần chắc chắn để khi ba ba dính câu không thể lôi xuống nước.
Chúng tôi từ Cầu Hai đi về phía sông Lô. Ở đó có cánh đồng lúa xã Minh Phú. Điểm câu hôm nay là vụng nước rộng cuối cánh đồng, bên kia bờ vụng là đồi cây trồng tre xanh um tùm.
“Nhìn kìa” - Hùng thì thào, chỉ tay về phía trước. Tôi trông theo và phát hiện 2 con ba ba nổi lập lờ. “Hôm nay trời nắng ấm nên chúng nó nổi lên phơi đấy”- Hùng nói.
Phát hiện thấy có bóng người, 2 con ba ba, tầm 8 - 9 lạng/con lặn ngay xuống đáy nước. Tôi để ý thấy bên một góc ruộng, người ta bỏ lại nhiều lọ đựng thuốc trừ sâu đã dùng hết. “Cứ sử dụng, vứt bừa bãi như thế này thì chẳng mấy chốc chẳng còn ba ba, tôm, cá gì mà bắt nữa”- Hùng ta thán.
Anh nói ngoài chuyện thuốc sâu, thuốc diệt cỏ, người dân trong vùng còn thường xuyên kích điện bắt cá. “Tôi nhớ tầm 15 năm trước, khu vực này đầy tôm cá, ba ba cũng rất nhiều. Có những loài đặc sản như ba ba, chạch trấu. Ba ba vài ba cân, chạch cũng cả nửa cân một con. Giờ thì càng ngày càng hiếm”.
Ngoài 2 cần câu, cần thủ còn dùng phương pháp cắm câu: Một đầu là thanh tre có mấu vạt nhọn ghim vào đất, buộc dây câu và lưỡi. Sau khi quăng mồi xuống nước, Hùng gắn chuông báo vào đầu sợi dây câu, nơi gần thanh tre. Chuông reo tức là đã có con gì cắn câu. Chúng tôi ngồi từ 4 giờ chiều, lúc trời còn sáng. Không thấy động tĩnh gì.
Hơn 2 giờ trôi qua, Hùng đã thay mồi lần thứ 3. Trời đã nhập nhoạng, không gian tĩnh lặng, nghe rõ tiếng côn trùng. Bỗng một chiếc cần bị níu rất mạnh, vài giây sau là tiếng đạp nước dữ dội. “Dính ba ba rồi” - Hùng chắc chắn. Chiếc máy câu rin rít nhả cước khi con ba ba chừng 1,5kg đang còn rất khỏe. “Cứ để nó giãy một lúc, mệt sẽ kéo vào” - Hùng bảo.
Con ba ba quẫy đạp trong vài phút và có vẻ đuối sức dần. Hùng lấy cây vợt, một tay cầm cần kéo, một tay đưa vợt hứng. Thế là con rùa mai mềm chịu thúc thủ. Hơn một giờ sau, chú ba ba đã biến thành nồi thịt om chuối đậu thơm phức. Món ăn được dọn ra trong tiếng cười đùa của mấy ông bạn lâu năm.