Lương mới và vị trí việc làm
Bộ Nội vụ đang hoàn tất hồ sơ về cải cách tiền lương mới để trình các cấp có thẩm quyền trước khi trình Bộ Chính trị. Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến, đây sẽ là cơ sở cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành văn bản thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. Chế độ lương mới sẽ được tính theo vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ được giao; khắc phục được những điểm lạc hậu, hạn chế, bất hợp lý của cách tính lương hiện hành.
Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi cho cải cách tiền lương là 470 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11,1 nghìn tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18 nghìn tỷ đồng.
Lương mới tạo động lực để cán bộ, công chức phấn đấu
Bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đây là lần cải cách tiền lương đồng bộ, toàn diện và căn bản; tiến bộ, công bằng, hài hòa và hợp lý.
Nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng khoảng 30% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng). Đáng chú ý, sau khi thực hiện cải cách tiền lương với bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì năm 2025 công chức, viên chức vẫn được tăng lương thêm 7%.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, việc Quốc hội thông qua chính sách cải cách tiền lương lần này vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự, tạo tâm trạng vui tươi, phấn khởi trong xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, việc thu ngân sách thế nào, tiết kiệm chi ra sao để đảm bảo có nguồn cho tiền lương sau giai đoạn 2024 - 2026 là vấn đề cần phải quan tâm.
Thông tin thêm về lương đối với cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị đặc thù, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo Nghị quyết 27 (Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII), tới đây sẽ bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù.
Hiện nay có 134.284 cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù (có tiền lương tăng thêm ngoài chế độ chung từ 0,66 lần đến 2,43 lần). Con số này chiếm khoảng 6,78% tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cả nước.
Đáng chú ý, theo bà Trà, xây dựng tiền lương mới sẽ tính đến phát triển đội ngũ công chức theo hướng chuyên nghiệp và xây dựng đội ngũ chuyên gia cao cấp, với mức tiền lương tương đương của bộ trưởng, thứ trưởng. Phải đánh giá đúng, công bằng, đồng thời tạo động lực để cán bộ, công chức phấn đấu.
"Trong đó có người phấn đấu đi theo hướng chuyên gia cao cấp, một nhánh nữa nếu đủ năng lực, điều kiện sẽ quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh, chức vụ lãnh đạo. Chúng ta phải phân luồng như thế chứ không thể để tất cả đều hướng tới mục tiêu có chức danh, chức vụ lãnh đạo, mà phải tính đến phát triển đội ngũ công chức theo hướng chuyên nghiệp và xây dựng đội ngũ chuyên gia cao cấp” - Bộ trưởng nói.
Tăng lương đi đôi với việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế
Theo giới chuyên gia lao động việc làm, cải cách tiền lương không chỉ đơn thuần là việc tăng lương cho người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước, mà là thay đổi căn bản cách tính lương cho người lao động.
Ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho rằng, cải cách tiền lương hướng tới đảm bảo mức lương chi trả tương xứng, thể hiện đúng giá trị sức lao động của cán bộ, công chức, viên chức là tư duy mới và cũng thể hiện được bản chất của cải cách chính sách tiền lương. Đặc biệt khi có bảng lương của chức vụ lãnh đạo và một bảng lương chuyên môn nghiệp vụ.
Ủng hộ việc xây dựng đội ngũ chuyên gia cao cấp là những người có năng lực, đi sâu nghiên cứu mà không nhất thiết phải phấn đấu trở thành người quản lý; ông Lợi cho rằng mục tiêu là thu hút nhân tài và tranh thủ năng lực của những người có trình độ chuyên môn cao để đóng góp cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, vấn đề là phải đánh giá đúng năng lực chất lượng, trình độ chuyên môn; hay nói cách khác chuyên gia đầu ngành không thể được áp dụng một cách tràn lan.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tạo được nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, cách tính lương mới theo vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ được giao sẽ khắc phục được những điểm hạn chế, bất hợp lý của cách tính lương đang áp dụng (tính lương theo hệ số, lương tăng dần theo số năm công tác…). Bà Nga cũng chỉ ra vấn đề “chảy máu chất xám” có nguyên nhân cơ bản là do tiền lương quá thấp, tỉ lệ nghịch với những áp lực công việc nên rất khó thu hút nhân lực, khó giữ chân người có năng lực.
“Cải cách tiền lương không những đảm bảo đời sống cho người lao động, tạo sự công bằng hơn trong chi trả lương mà còn có ý nghĩa then chốt với việc nỗ lực nâng cao năng suất lao động khu vực công. Với sự biến động rất mạnh mẽ của tình hình kinh tế thế giới thì mức lương hiện tại của công chức, viên chức ở nước ta là điểm nghẽn cho việc thu hút người tài làm việc cho khu vực công” - theo bà Nga.
Để chính sách thực sự đi vào cuộc sống
Ở một góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế cho rằng, muốn đảm bảo chính sách cải cách tiền lương một cách công bằng, minh bạch, chính đáng ở tất cả mọi miền đất nước trong khu vực công, thì cần phải phân tích các nhóm đối tượng. Cùng với đó, cần tính toán thêm vùng sâu, vùng xa… hỗ trợ từ ngân sách nhà nước một cách hài hòa, tạo động lực để các địa phương có đủ sức tự cân bằng ngân sách, thu đủ chi, tạo sự phát triển toàn diện, giảm gánh nặng về ngân sách nhà nước để ngân sách nhà nước sử dụng vào những vấn đề vĩ mô.
Theo bà Sửu, khi chính sách cải cách tiền lương đi vào thực hiện (từ 1/7/2024), cần phải thực tiễn hóa một cách đồng bộ trên khắp mọi cơ quan trong khu vực công. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn và giám sát để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Giá trị của sức lao động được đo bằng tiền lương. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tiền lương chưa bảo đảm cuộc sống cho người lao động và gia đình của họ. Đáng chú ý, trong cơ cấu tiền lương trước đây có những điểm bất hợp lý, mà cụ thể là có nhiều loại phụ cấp. Trong nhiều trường hợp, lương thấp nhưng phụ cấp cao, có khi phụ cấp tương đương với lương. Nói dễ hiểu thì có người được lĩnh 2 lần lương trong 1 tháng.
Vì thế, dự kiến với cơ cấu trong bảng lương mới, thu nhập của 1 người 70% từ lương, phụ cấp không quá 30%, được xem là hợp lý. Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ thì phụ cấp thâm niên hay những cái khác sẽ được tính toán để thiết kế lương theo vị trí việc làm, chức vụ lãnh đạo quản lý. Khi cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu). Việc này sẽ hóa giải được câu chuyện phụ cấp cao hơn lương và chuyện “sống lâu lên lão làng” do tiền lương sẽ được thiết kế theo vị trí việc làm.
Như vậy, cơ cấu tiền lương mới sẽ bao gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai thành công cải cách chính sách tiền lương khu vực công phụ thuộc rất nhiều vào kết quả, hiệu quả đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Rõ hơn, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo nguồn bền vững cho cải cách tiền lương phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để bảo đảm hiệu quả của chính sách tiền lương mới.
Ông Đinh Ngọc Quý - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, Hội nghị lần 8 của Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành nghị quyết và giao Chính phủ trình Quốc hội tiến độ cải cách tiền lương. Theo đó, thứ nhất, xây dựng bảng lương mới thay cho bảng lương hiện nay, gồm bảng lương về chức danh lãnh đạo từ trung ương cho đến cơ sở, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và 3 bảng lương cho lực lượng vũ trang. Thứ hai, sắp xếp, thu gọn chế độ phụ cấp so với hiện nay. Thứ ba, chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ tiền lương cơ bản không bao gồm phụ cấp. Thứ tư, chế độ nâng bậc lương. Thứ năm, nguồn kinh phí để thực hiện chế độ cải cách tiền lương. Thứ sáu, quản lý tiền lương và thu nhập.
Nguồn cải cách tiền lương đã được chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2024 - 2026 (gần 500.000 tỷ đồng). Sau 2024, thực hiện tăng có lộ trình 5 - 7%, đảm bảo mức lương phù hợp tiệm cận khu vực 1 của tư nhân.