Chính trị

Chất vấn và giám sát thực hiện sau giải trình

H.Vũ (thực hiện) 11/03/2024 10:03

Tại phiên họp thứ 31 sắp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương về vấn đề này.

PV: Thưa bà, cá nhân bà đánh giá như thế nào về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) lựa chọn 2 nhóm vấn đề để chất vấn đối với 2 bộ trưởng lần này?

anh-1-bai-tren.jpg
Bà Nguyễn Thị Việt Nga.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Đây là 2 lĩnh vực khá nóng và quan trọng. Thứ nhất, hiện chúng ta rất chú trọng đến đường lối ngoại giao của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với các quốc gia trên thế giới. Trong tình hình chính trị thế giới bất ổn ở thời điểm hiện tại, thậm chí có sự phân cực mạnh mẽ, vậy đường lối ngoại giao như thế nào? Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên tinh thần hợp tác, xây dựng, cùng có lợi và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; vậy đường lối ngoại giao như thế nào là điều quan trọng và cần chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Thứ hai, từ sau dịch Covid-19 cho đến nay, Quốc hội quyết sách rất nhiều chính sách tài khóa tiền tệ để phát triển kinh tế - xã hội. Qua một thời gian, chúng ta sử dụng chính sách tài khóa tiền tệ ấy thì hiệu quả đến đâu? và tiếp tục triển khai như thế nào trong trường hợp kinh tế thế giới cũng đang khó khăn nhất định thì điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ ở trong nước cũng rất quan trọng. Do đó chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính ở thời điểm này sẽ tạo ra sức đẩy mới để chúng ta có những quyết sách đúng đắn trong quản lý tài chính.

anh-thay.jpg
Quang cảnh phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, ngày 8/11/2023. Ảnh: Quang Vinh.

Lâu nay lĩnh vực ngoại giao ít được chất vấn nhưng lần này lại được lựa chọn chất vấn. Bà đánh giá như thế nào về việc này, có phải đây sự đổi mới mạnh mẽ của UBTVQH trong việc lựa chọn chủ đề chất vấn?

- Lĩnh vực được đông đảo cử tri, nhân dân và các ĐBQH quan tâm thường là các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ít được chất vấn. Như cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV chúng ta chưa chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lần nào. Lần này UBTVQH quyết định lựa chọn vấn đề ngoại giao để chất vấn tôi thấy đây là sự lựa chọn nhiều ý nghĩa.

Chúng ta nói nhiều đến “hội nhập quốc tế” và từ trước tới nay Việt Nam luôn phấn đấu hội nhập sâu sắc với quốc tế. Hội nhập quốc tế sâu rộng ngày càng đóng vai trò quan trọng. Không chỉ có ý nghĩa trong hợp tác để cùng phát triển về mặt kinh tế, mà còn thể hiện được mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước để: thứ nhất khẳng định chủ quyền, thứ hai quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, thứ ba là phát triển toàn diện.

Trong mục tiêu đó thì việc chúng ta tập trung vào mối quan hệ với các nước trên thế giới là rất quan trọng. Cá nhân tôi cho rằng, đây không chỉ là một sự đổi mới của UBTVQH trong lựa chọn vấn đề chất vấn mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc của lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH trong đồng hành cùng Chính phủ để phát triển toàn diện đất nước trên tất cả các lĩnh vực.

Một năm Quốc hội chất vấn 2 lần tại các kỳ họp và thường những Bộ trưởng đã chất vấn ở kỳ trước thì kỳ sau không chất vấn nữa. Do đó, UBTVQH lựa chọn chất vấn các vấn đề nóng ở các lĩnh vực chưa được Quốc hội chất vấn, thưa bà?

- Tại các kỳ họp Quốc hội, với đặc điểm bị gói gọn bởi thời lượng chất vấn nên có việc nhiều ĐBQH chưa được tham gia, trong khi các vấn đề cần chất vấn rất rộng, rất nhiều lĩnh vực. Do đó chất vấn tại UBTVQH đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong quá trình chuẩn bị cho chất vấn thì các đoàn ĐBQH tổng hợp câu hỏi của các ĐBQH trong đoàn mình để gửi tới UBTVQH.

Gọi là chất vấn tại UBTVQH nhưng thực chất lại có sự tham gia của các ĐBQH. Phiên chất vấn sẽ được truyền hình trực tiếp và các ĐBQH ở các điểm cầu có thể tham gia chất vấn các thành viên Chính phủ.

Ý kiến của bà về hoạt động giám sát của Quốc hội khi tăng cường các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, giải trình?

- Không những tăng cường các phiên giải trình mà cần phải có hoạt động giám sát sau giải trình. Tức là sau giải trình thì các tư lệnh ngành có giải pháp và cam kết để phát triển cũng như khắc phục những tồn tại hạn chế trong lĩnh vực mình phụ trách. Nếu sau giải trình mà không tiếp tục giám sát các cam kết thì cũng rất khó xác định phiên giải trình có tác dụng như thế nào? Điều quan trọng hơn cả là cần có sự thay đổi tích cực từ các đối tượng giải trình, giám sát, trả lời chất vấn.

Chúng ta phải có giám sát việc thực hiện nghị quyết của các phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn. Đó chính là tái giám sát để các bộ trưởng, trưởng ngành có cam kết, giải pháp đưa ra thì phải thực hiện nghiêm túc cam kết đó với tinh thần nỗ lực cao nhất, chứ không phải đưa ra giải pháp xong lại… lãng quên.

Giám sát việc thực hiện kết luận sau giải trình, chất vấn để xem kết luận và giải pháp đưa ra có được thực hiện một cách nghiêm túc hay không? Chất lượng của chất vấn, giải trình không nằm ở việc trả lời các câu hỏi, mà chất lượng nằm ở việc thực hiện nó như thế nào?

Trân trọng cảm ơn bà!

Theo chương trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ trả lời về các vấn đề: Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; Việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; Việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; Phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ trả lời về các vấn đề gồm: Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo; hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch; công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.

H.Vũ (thực hiện)