Văn hóa

Lan tỏa nét đẹp văn hóa người Hà Nội

Phạm Sỹ 11/03/2024 10:04

Từ lâu, Hà Nội rất chú trọng xây dựng nét thanh lịch, văn minh thông qua việc ban hành nhiều văn bản.

anh-thay-trng-8.jpg
Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: FB.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nhận định, sự thanh lịch của người Hà Nội không chỉ ở nói, mà nói còn đi liền với làm, với hành động. Người dân Hà Nội luôn luôn ý thức cao trong việc làm tốt, việc làm thiện, làm vì người thân, việc trong nhà, việc thôn xóm, việc tổ dân phố, việc cơ quan, việc nước. Đây là nét chủ đạo ở mỗi người Hà Nội.

Chính những giá trị lịch sử trong giai đoạn đấu tranh và xây dựng đất nước đã góp phần làm nên Hà Nội hôm nay với những danh hiệu cao quý được cả nước và quốc tế vinh danh, như Hà Nội - Thủ đô anh hùng; Hà Nội - Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; Hà Nội - Thành phố vì Hòa bình; Hà Nội - Thành phố sáng tạo”... Hà Nội, không chỉ còn của riêng người Hà Nội, mà là điểm đến cho rất nhiều cuộc dừng chân, là niềm tự hào của cả nước.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, người Hà Nội vẫn còn một số nhược điểm. Tệ nạn xã hội phát sinh, lối sống hưởng thụ, thác loạn, buông thả, tệ nạn mại dâm… là những vấn đề rất đáng lo ngại. Cùng với đó, tùy tiện trong sinh hoạt, thói quen coi thường kỷ cương pháp luật chưa được sửa chữa, khắc phục.

Theo ThS Nguyễn Thị Huệ - Viện Nghiên cứu Văn hoá - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, kết quả xây dựng văn hoá người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa tương xứng với yêu cầu Thủ đô ngàn năm văn hiến, chưa tạo được chuyển biến rõ nét về văn hóa ứng xử của người dân, công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh vẫn còn nhiều hạn chế. Sở dĩ như vậy là do chưa hình thành được hệ giá trị nhân cách với các chuẩn mục rõ ràng về đạo đức, lối sống con người Hà Nội. Các tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch còn chung chung. Việc triển khai, cụ thể hóa việc thực hiện các chuẩn mực, tiêu chí con người thanh lịch, văn minh cho từng đối tượng cụ thể ở một số ngành, đoàn thể chưa được quan tâm đúng mức.

Ngày 19/2/2024, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30 về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh". GS.TS Phạm Hồng Tung - nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, Chỉ thị 30 là sự kế thừa, tiếp nối những chủ trương, chính sách và biện pháp mà Hà Nội đang tiến hành. Chỉ thị là một bước tiến mới trong cuộc vận động xây dựng đời sống đô thị văn minh, con người Hà Nội thanh lịch.

Đồng quan điểm, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn hóa nghệ thuật Hà Nội cho rằng, Chỉ thị số 30 của Thành ủy Hà Nội được ban hành thời điểm này là cần thiết. Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đang xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung vào định hướng, cổ vũ văn nghệ sĩ sáng tác tác phẩm chất lượng. Phát huy vai trò của các chi bộ, đảng viên uy tín trong việc lan tỏa giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội thời kỳ mới.

PGS.TS Nguyễn Văn Dân - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cần chú ý đến những đặc điểm riêng và những điều kiện tinh thần - xã hội đặc thù của Thủ đô, với tư cách là bộ mặt đại diện cho một quốc gia dân tộc, đồng thời chú ý đến những giá trị tiến bộ của văn hoá - văn minh thế giới để điều chỉnh những xu hướng tiêu cực đi quá giới hạn văn hoá... Có như thế mới có thể xây dựng được một nền văn hoá nhân văn tiến bộ và lành mạnh, có ý nghĩa phát triển con người Việt Nam; xây dựng được mẫu người Hà Nội thanh lịch - văn minh, đó là mẫu người đại diện cho mọi tầng lớp xã hội của Thủ đô, từ người lao động chân tay đến người lãnh đạo và quản lý nhà nước ở cấp cao nhất, là người phải có trí sáng tạo, có ý thức trách nhiệm sinh thái, vừa mang bản sắc dân tộc tiêu biểu cho cả nước, vừa có các giá trị cơ bản của nhân loại, làm gương cho các tỉnh thành trong cả nước và đảm đương được nhiệm vụ đại diện cho quốc gia.

Phạm Sỹ