Sức khỏe

Nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng

An Thái 11/03/2024 10:05

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 125 trẻ mắc tay chân miệng (TCM), tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

duoi.jpg
Điều trị cho trẻ mắc tay chân miệng. Ảnh: BV Nhi trung ương.

Tuần qua trên địa bàn thành phố ghi nhận 37 trường hợp mắc TCM, tăng 19 trường hợp so với tuần trước đó. Trong số các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân TCM, dẫn đầu là quận Nam Từ Liêm với 12 ca bệnh, tiếp đến là Hà Đông 5 ca; quận Long Biên và huyện Thanh Trì mỗi nơi có 3 ca. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố có 125 trường hợp mắc TCM (tăng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2023).

Cùng với bệnh TCM, theo báo cáo tuần qua của CDC, tuần qua Hà Nội cũng ghi nhận 27 trường hợp mắc thủy đậu, giảm 5 trường hợp so với tuần trước đó. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc thủy đậu là Hoàn Kiếm với chùm ca bệnh Trường Tiểu học Phúc Tân có 10 trường hợp mắc, tiếp đến là Mê Linh có 5 ca. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 147 trường hợp mắc thủy đậu (giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023).

BS Đỗ Thị Thúy Nga - Phó Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho hay, có 2 biến chứng thường gặp với bệnh TCM là biến chứng thần kinh và suy hô hấp, suy tuần hoàn. Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng. Từ 1 - 2 ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở xuất hiện trong miệng gây đau rát. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét. Các vết loét này chủ yếu ở trên lưỡi, lợi và bên trong má. Phát ban không ngứa xuất hiện trong 1 - 2 ngày với các tổn thương màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, một số kèm theo bọng nước. Phát ban thường tập trung nhiều trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, cũng có thể xuất hiện ở mông và/hoặc ở cơ quan sinh dục. Trẻ cũng có thể không có triệu chứng điển hình hoặc có thể chỉ bị phát ban hoặc loét miệng.

BS Nga khuyến cáo, do bệnh TCM chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đi khám để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Đa phần trẻ mắc TCM là bệnh nhẹ, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí tử vong. Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Mỗi lần trẻ nhiễm bệnh chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định, do đó trẻ có thể mắc nhiều lần. Để phòng bệnh cho trẻ em, cần thực hiện 3 sạch: Ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Tại lớp học cần chú ý thực hiện vệ sinh, thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Thời tiết hiện nay ở các địa phương phía Bắc là giai đoạn thường xảy ra nhiều bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, TCM, ho gà... Do đó, CDC Hà Nội đề nghị các đơn vị trong ngành tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh TCM, thủy đậu..., đặc biệt là tại các trạm y tế, các trường mầm non, tiểu học. Tổ chức các hoạt động xử lý ổ dịch, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại các trường học có nhiều bệnh nhân, ổ dịch. Đồng thời, tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để bùng phát rộng.

An Thái