Đông Nam Á trước thách thức kép
Khu vực Đông Nam Á đang chứng kiến số người trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm ngay từ đầu năm 2024. Từ đó dẫn đến nguy cơ kép: già hóa dân số và gia tăng số người nghèo.
Theo Liên hợp quốc, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tại 11 quốc gia Đông Nam Á đạt đỉnh 68% vào năm 2023, từ đó giảm dần. Riêng với Indonesia, quốc gia với dân số 270 triệu, lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ tư thế giới, tỷ lệ này dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, chấm dứt giai đoạn lợi tức dân số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), năm 2019, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trong khu vực Đông Nam Á là 7%, ngưỡng được coi là "xã hội già". Tỷ lệ này dự kiến sẽ là 14% vào năm 2033, đưa khu vực vào nhóm dân số già, tính trên phạm vi toàn cầu. Việc giảm tỷ suất sinh và tuổi thọ kéo dài dẫn đến tình trạng già hóa xã hội dường như không thể tránh khỏi, nhưng nhiều quốc gia Đông Nam Á lại chưa có sự chuẩn bị tốt.
Tờ Nikkei Asia cho biết, những khoản chi tiêu cho an sinh xã hội chưa đến 10% GDP ở các nền kinh tế Đông Nam Á. Tại Indonesia, chưa đến 30% dân số trong độ tuổi lao động được hưởng lương hưu khu vực công, theo dữ liệu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Ngay cả ở Singapore, tỷ lệ này cũng dưới 60%.
Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là nơi có dân số già hoá cao hơn so với nhiều nước khác. Hiện 16% dân số Thái Lan từ 65 tuổi trở lên. Tuy nhiên, nguồn thu nhập, tiết kiệm và mức lương hưu lại hạn chế. Ước tính đến năm 2029, Thái Lan sẽ gia nhập danh sách các xã hội “siêu già” với hơn 20% dân số trên 65 tuổi. Trong khi đó, cơ hội để người già nương tựa vào con cháu sẽ giảm đi do tỷ lệ sinh giảm.
Thống kê gần đây cho biết, trong số khoảng 70 triệu dân, có hơn 12 triệu người Thái Lan là người cao tuổi. Mặc dù người cao tuổi ở nước này được nhận hỗ trợ của chính phủ, nhưng nhiều người trong số họ vẫn phải tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu vì không có tiền tiết kiệm.
Bà Darunee Kamwong, 72 tuổi, vẫn làm công việc quét dọn trong một nhà máy sản xuất mì ngay bên ngoài thủ đô Bangkok, cho biết: "Tôi chưa sẵn sàng nghỉ hưu vì vẫn phải giúp nuôi hai đứa cháu đang đi học". Còn ông Ritthirong, 70 tuổi, cho biết, số người được hưởng hưu bổng (từ quỹ bảo hiểm xã hội) không nhiều, nên việc người già vẫn phải đi làm để kiếm thu nhập là bình thường. “Tôi còn làm việc cho đến khi nào không nhấc chân lên nổi thì thôi” - ông Riithirong nói.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển lão khoa Thái Lan cho thấy, nguy cơ gia tăng nghèo khó ở người cao tuổi nước này khi mức lương tối thiểu thấp và chi phí sinh hoạt tăng cao, khiến nhiều người đi làm không đủ tiền để tiết kiệm khi về hưu.
Theo tiến sĩ Phusit Prakongsai - Viện Nghiên cứu và Phát triển lão khoa Thái Lan: "Xu hướng mà chúng ta thấy là ngày càng có nhiều người cao tuổi sống một mình, hoặc sống cùng nhau và chăm sóc lẫn nhau. Tỷ lệ người cao tuổi sống một mình chiếm 12%. Những người sống cùng nhau chiếm khoảng 20%, họ chiếm 1/3 tổng số người già ở Thái Lan".
Tuy nhiên, trong khó khăn kép mà các nước Đông Nam Á đang phải đối diện (già hóa dân số và gia tăng số người nghèo), thì theo UNFPA cũng có những điểm sáng. Đó là việc chính phủ các nước Đông Nam Á đều quan tâm đến chế độ chính sách đối với người cao tuổi; tập trung vào 3 ưu tiên chính gồm:
Thứ nhất, tăng cường hệ thống y tế, nâng cấp cơ sở hạ tầng về y tế và cộng đồng, tập trung cải tạo và xây mới bệnh viện, trung tâm chăm sóc người già, các trung tâm sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư để tạo sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau.
Thứ hai, nâng độ tuổi làm việc và nghỉ hưu, tạo điều kiện để người già làm việc phù hợp với nguyện vọng và năng lực để có thu nhập, tránh làm gánh nặng cho gia đình, vừa tạo niềm vui.
Thứ ba, nâng phụ cấp chế độ cho người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những gia đình từng có nhiều đóng góp cho xã hội; đưa ra các gói ưu đãi mua hàng , khám bệnh giảm giá...
Theo Ủy ban Các vấn đề kinh tế và xã hội Liên hợp quốc, đó là những động thái tích cực của Đông Nam Á. Từ đó, những khó khăn, thách thức sẽ phần nào được giải quyết, thậm chí là có thể tận dụng những lợi ích mà già hóa dân số mang lại.
Tại Đông Bắc Á, tốc độ già hóa dân số ở Nhật Bản được ví như "cơn sóng thần màu xám". Hơn lúc nào hết, Nhật Bản đang cảm nhận rõ tác động của già hóa dân số đối với vị thế là nền kinh tế lớn của thế giới. Giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học là một trong những điều Thủ tướng Kishida Fumio nhấn mạnh, coi đây là ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình, bên cạnh vấn đề phục hồi và phát triển kinh tế. Trong số những người từ 70 - 74 tuổi, tỷ lệ người vẫn đang làm việc ở Nhật Bản là 34%. Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản ước tính, một quỹ dự phòng trị giá 20 triệu Yen (khoảng 140.000 USD) là cần thiết cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu của mỗi người, mặc dù nhiều người cho rằng con số này là không đủ.