Kinh tế

Xanh hóa để tiếp cận thị trường khó tính

An Bình 11/03/2024 10:08

Tích cực xoay xở tìm kiếm đơn hàng, các doanh nghiệp dệt may đang tạo nên những chuyển biến rõ nét. Số liệu từ Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng dệt may đạt 5,2 tỷ USD xuất khẩu, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 4 nhóm mặt hàng có kim ngạch cao nhất.

anhtren.jpg
Tổng công ty May 10 đã triển khai việc “xanh hóa” sản xuất trong 3 năm trở lại đây. Ảnh: Quang Vinh.

Thị trường ấm dần

Theo nhận định của giới chuyên gia, kết quả nói trên có được nhờ tình hình thị trường tiêu dùng hàng dệt may thế giới đã ấm lên từ cuối năm 2023. Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước cũng tích cực "xoay xở" tìm kiếm đơn hàng; đồng thời, ngành này cũng đang từng bước thích ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu đó là xanh hóa trong sản xuất.

Theo ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, việc xanh hóa trong sản xuất đã không còn là việc muốn hay không mà thời điểm này, đó là yêu cầu bắt buộc. Việc dần thích ứng của DN Việt sẽ giúp xuất khẩu hàng hóa bền vững. Ông Việt cho biết, May 10 đã triển khai việc “xanh hóa” sản xuất trong 3 năm trở lại đây, theo đó, DN chủ động đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, sử dụng ít điện năng, đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống năng lượng mặt trời, điện áp mái... Ngay cả trong quá trình sản xuất, những nhiên liệu đầu vào đốt bằng than cũng đang được chuyển đổi sang nhiên liệu bằng điện sinh khối để đảm bảo khí thải carbon được ít nhất. Dự kiến, trong năm 2024, nếu toàn bộ dự án của May10 đi vào hoạt động sẽ giúp giảm phát thải được hơn 20 nghìn tấn carbon ra môi trường.

Hiện nay, đã có rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới trong ngành dệt may công bố lộ trình sử dụng sản phẩm có nguồn gốc tái chế, tự nhiên và tuần hoàn trong quá trình phát triển từ nay đến năm 2050. Các nhà mua hàng, nhất là các nhãn hàng lớn đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để bảo đảm các mục tiêu bền vững. Những yêu cầu này nhấn mạnh các vấn đề như hiệu quả môi trường, sử dụng vật liệu tái chế, tìm kiếm các vật liệu hữu cơ hoặc bền vững, giảm tiêu thụ năng lượng...

Theo GS.TS Andreas Stoffers - Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam, với dệt may Việt Nam, EU đã và đang là thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, với EU, dệt may lại đứng trong Top đầu các ngành làm suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Do đó dệt may cũng thuộc nhóm tập trung nhiều nỗ lực xanh nhất của EU. Phần lớn các chính sách xanh của EU về dệt may được tập trung tại chiến lược dệt may tuần hoàn và bền vững với các định hướng chính sách về thiết kế sinh thái bảo đảm độ bền, khả năng tái chế, giảm thiểu các hóa chất độc hại trong sợi…

Cơ hội và thách thức

So với nhiều ngành hàng, lĩnh vực khác, tiêu chuẩn áp dụng với ngành dệt may được đánh giá là phức tạp, thách thức hơn, có phạm vi bao trùm tất cả các sản phẩm dệt may và được luật hóa dưới dạng các yêu cầu pháp lý tối thiểu, bắt buộc thực hiện mà không phải chỉ là các khuyến nghị. Hơn nữa, các tiêu chuẩn, biện pháp, quy định của Thỏa thuận Xanh EU tác động đến nhiều khâu trong chuỗi sản xuất, từ thiết kế mẫu mã đến nguyên phụ liệu, từ sản xuất đến vận chuyển… mà không phải chỉ áp dụng với thành phẩm cuối cùng.

Thách thức là vậy, song nếu tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn xanh hóa sẽ giúp việc chuyển đổi sang sản xuất xanh một cách chủ động, đồng bộ và toàn diện. Đây chính là cơ hội lớn để các DN ngành may có thể sớm tiếp cận thị trường các sản phẩm xanh của EU. Bên cạnh đó mở ra cơ hội đưa hàng hóa đến các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Australia…

Chuyên gia kinh tế - PTS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, hiện nay quá trình xanh hóa sản xuất, giảm phát thải carbon đã được nhiều DN quan tâm hơn. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận với các thị trường khó tính.

Tuy nhiên, đang có một thực tế là việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh trong ngành dệt may đòi hỏi chi phí chuyển đổi rất lớn, thời gian chuyển đổi dài. Trong khi hầu hết các DN dệt may xuất khẩu của Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, việc chuyển đổi hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm kê khí nhà kính đòi hỏi cần nhanh hơn, tốn ít chi phí hơn.

Do đó, ông Thịnh cho rằng, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng DN rất cần sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc tạo hành lang chính sách nhằm khuyến khích nhà đầu tư hướng đến "sản xuất xanh", trong đó, chủ yếu là những chính sách về tín dụng với lãi suất và hạn mức ưu đãi hơn cho DN đầu tư vào lĩnh vực hàng hóa, sản phẩm xanh. Đây cũng chính là bước đi cụ thể của Việt Nam để đạt được cam kết “zero carbon” vào năm 2050.

An Bình