Xã hội

Cần Giờ với mục tiêu “xanh hoá” giao thông

ĐOÀN XÁ 12/03/2024 07:22

Là huyện đảo duy nhất của TPHCM với khu dự trữ sinh quyển khổng lồ như “lá phổi” cho hàng triệu người dân, thành phố hiện đang tìm cách “xanh hoá” toàn bộ hệ thống giao thông ở khu vực này, gồm cả phương tiện công cộng lẫn phương tiện cá nhân.

Giới chuyên gia nhận định, với việc vận dụng linh hoạt Nghị quyết 98 đặc thù, kỳ vọng “các phương tiện giao thông ở Cần Giờ phải là xe điện” không còn quá xa vời.

Thời gian qua, TPHCM đã thực hiện từng bước, chủ yếu là phương tiện xe buýt, taxi, xe đạp… để thay thế xe chạy bằng nhiên liệu hoá thạch. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này khá chậm vì nhiều nguyên nhân khác nhau và chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Hiện các nhà quản lý, chuyên gia về giao thông đang xây dựng mô hình giao thông “xanh”, huyện đảo Cần Giờ là địa phương được chọn lựa để áp dụng và phát triển mô hình giao thông thân thiện với môi trường. Theo dự kiến, tới năm 2030, 100% phương tiện giao thông công cộng ở Cần Giờ phải là xe điện và 50 - 70% phương tiện cá nhân cũng là xe điện. Đây là ý tưởng rất tốt, có nhiều ý nghĩa và có thể áp dụng thực tế trong bối cảnh Cần Giờ là huyện đảo, nhiều yếu tố phù hợp.

Cụ thể, huyện Cần Giờ hiện có hơn 34.500 xe gắn máy chạy bằng xăng, chủ yếu của hộ dân nghèo và cận nghèo. Vì vậy, nếu thành phố hỗ trợ chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện với kinh phí 100% dành cho hộ nghèo và 80% dành cho hộ cận nghèo thì sẽ cần khoảng 250 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố cũng hỗ trợ lệ phí đăng ký xe điện cũng như xây dựng các trạm sạc để người dân sử dụng xe điện thuận tiện hơn. Mục đích những năm tới là tạo thói quen sử dụng xe điện cho người dân và tiếp theo, tạo môi trường giao thông cũng như môi trường sinh thái ‘xanh” đúng nghĩa của huyện Cần Giờ, nơi cung cấp không gian sinh thái xanh sạch rất quan trọng cho trung tâm TPHCM.

Theo TS Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM thì hướng phát triển quan trọng của TPHCM tương lai là “xanh”. Trong đó, Nghị quyết 98 đặc thù trao cho thành phố nhiều công cụ để thực hiện mục tiêu phát triển “xanh” như giảm phát thải nhà kính, chuyển đổi xe xăng sang xe điện…. Việc TPHCM chọn lựa Cần Giờ là địa phương để áp dụng là hoàn toàn khả thi bởi thời gian tới, huyện Cần Giờ sẽ được áp dụng nhiều chính sách tiên phong, đặc thù. Trong khi đó, ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông vận tải TPHCM) thì cho rằng, TPHCM cần bám sát tinh thần Nghị quyết 98 là thời gian thực hiện (2023-2028). Trong thời gian này, việc chuyển đổi từ phương tiện xe xăng sang xe điện cần được giám sát, thống kê. Bên cạnh đó, cần quan tâm tới các trường hợp như người dân nhận hỗ trợ tài chính nhưng không thực hiện hoặc chưa thực hiện trong thời gian trên để có đánh giá đầy đủ.

Có thể nói, việc chuyển đổi phương tiện giao thông ở Cần Giờ không chỉ ngày một, ngày hai mà cần một thời gian dài với sự đồng thuận của nhiều đơn vị, người dân. Đặc biệt là cần xây dựng một hệ sinh thái giao thông công cộng và cá nhân bằng xe điện có liên kết chặt chẽ với, tạo sự thuận lợi hơn các phương tiện xe xăng khi sử dụng để mang tới hiệu quả thực chất, bền vững cho mô hình rất cần thiết này.

ĐOÀN XÁ