Nuôi đà điểu làm giàu ở Nam Phi
Thị trấn Oudtshoorn (vùng Karroo, Nam Phi) vốn nghèo nàn thì nay bỗng trở thành “thủ phủ đà điểu thế giới”. Người dân làm giàu bằng việc nuôi đà điểu lấy lông phục vụ ngành thời trang, điều mà trước đây ít người nghĩ tới.
“Cầu chúc những sợi lông vũ luôn ở bên bạn” là dòng chữ chào mừng du khách đến với thị trấn Oudtshoorn. Từ chổi phủi bụi tới khăn quàng cổ, khoảng 70% sản phẩm làm từ lông đà điểu trên toàn cầu có nguồn gốc từ Nam Phi. Trong một trang trại nuôi đà điểu ở Oudtshoorn, hàng trăm con đà điểu vươn chiếc cổ dài, lắc lư bộ lông dưới ánh nắng mặt trời. Những đôi chân dài lêu ngêu của chúng làm bụi đất bay lên mù mịt.
Thị trấn vùng cao Oudtshoorn nằm trong một thung lũng, nơi có khí hậu bán hoang mạc thích hợp với nuôi đà điểu. Peter Liebenberg - người làm việc tại công ty Cape Karoo International cho biết, thị trấn nhỏ này vốn “vô danh” nhưng rồi chính việc chăn nuôi đà điểu đã khiến tên tuổi của nó vượt ra khỏi biên giới Nam Phi. Nhiều nghệ sĩ từ châu Mỹ, châu Âu không quản xa xôi đã tìm đến Oudtshoorn chỉ để được trực tiếp mua một chiếc khăn, một mảnh vải khoác lộng lẫy làm từ lông tơ của những con đà điểu được người dân nuôi thả.
“Mọi sản phẩm từ đà điểu đều được tận dụng. Chúng ta có thể thấy điều này khi dạo một vòng quanh thị trấn. Các nhà hàng phục vụ món bít tết đà điểu. Các cửa hàng trưng bày túi da đà điểu, đèn và đồ trang trí hình trứng đà điểu khổng lồ” - ông Peter nói.
Còn theo Saag Jonker, một nông dân đã 82 tuổi thì trâm cài làm từ sợi gân trên lông đà điểu đang là mốt. Đơn giản hơn, chổi lông đà điểu cũng đã giúp ngành công nghiệp lông vũ ở Oudtshoorn phát triển.
Vào đầu những năm 1900, lông đà điểu là mặt hàng nguyên liệu thời trang được đánh giá cao, đồng thời là sản phẩm xuất khẩu lớn thứ tư của Nam Phi. Nhưng rồi thị trường lông đà điểu sụp đổ khi 2 cuộc chiến tranh thế giới làm gián đoạn thương mại hàng hải.
Người châu Phi những tưởng rằng công việc chế biến từ lông đà điểu đã suy tàn. Nhưng thật bất ngờ, 5 năm gần đây, thị trường lại nhộn nhịp trở lại. Thị trấn Oudtshoorn có cả chục cơ sở sản xuất với gần 1.000 công nhân may những chiếc khăn choàng lông vũ đà điểu. Năm 2023, họ đã bán đi khắp thế giới khoảng 100 tấn lông đà điểu, trong đó có tới hơn 1 triệu cây chổi phủi bụi cho những ngôi nhà sang trọng và 130.000 mét vải trang trí.
Jonker, một chủ trại đà điểu cho biết, nuôi đà điểu lấy lông không liên quan gì tới việc bảo vệ động vật hoang dã. “Bạn có thể nghe tiếng kêu quang quác của hàng trăm con non mới nở át đi tiếng lách tách của vỏ trứng. Chúng tôi nuôi lũ đà điểu lớn lên và rồi chúng trả ơn bằng cách cho chúng tôi một ngành nghề thu nhập cao” - ông Jonker nói và cho biết thêm công ty của ông là đơn vị tư nhân gây giống, chế biến và tiếp thị đà điểu lớn nhất thế giới, với gần 45.000 con đà điểu mỗi mùa. Sau khi khử trùng, phân loại, phần lông màu trắng và đen có giá trị nhất sẽ được bán cho các hãng thời trang cao cấp khắp thế giới.
“Khách hàng có thể là những người mặc trang phục biểu diễn trong nhà hát Moulin Rouge ở Paris, tới những người mặc đồ hóa trang trong lễ hội ở Rio de Janeiro. Lông đà điểu là sản phẩm tuyệt vời của Nam Phi" - ông Jonker tự hào nói.
Đà điểu không biết bay và được xem là giống chim lớn nhất hành tinh. Khi trưởng thành chúng có thể đạt chiều cao lên đến 1,6m và cân nặng hơn 130kg. Đà điểu đực có lông đen mềm ở lưng cùng với bộ lông trắng ở 2 bên cánh và đuôi, giúp chúng dễ dàng nhận biết. Đà điểu có cổ dài, đầu nhỏ, cặp mắt to, đôi chân dài và khỏe, mỗi chân có 2 ngón, có thể chạy với vận tốc 70km/giờ. Mỗi bước nhảy của nó có thể tới 5m. Vì thế, trong môi trường tự nhiên, đà điểu hầu như không bao giờ trở thành “thực phẩm” của các loài thú khác. Chúng có tuổi thọ khá cao, có thể sống tới 75 năm.
Cuộc sống của đà điểu cũng mang nhiều nét thú vị, nhất là với điệu nhảy thu hút bạn tình: Con trống và con mái đang ăn cùng nhau sẽ ngẩng đầu lên rồi cúi đầu xuống với tốc độ như nhau. Sau đó, con trống khụyu chân xuống và ngả người từ bên này sang bên kia để khoe bộ lông của nó. Khi con mái đẻ trứng, con trống lại giúp ấp trứng cũng như chăm sóc con non cho đến khi chúng tự lập.
Mặc dù đà điểu không bay, nhưng trên đôi cánh của chúng có những chiếc lông dài giúp giữ thăng bằng. Đặc biệt, lông mi rất dài giúp đà điểu chống lại bụi và cát.
Vậy, khi đà điểu được nuôi trong những nông trại có làm mất tập tính tự nhiên của chúng không?
Albi Modise - người dày kinh nghiệm trong việc chăn nuôi đà điểu ở vùng Karroo cho biết, tất nhiên là chúng không thể còn nguyên vẹn tập tính loài khi chúng ngày càng thân thiện với con người hơn. Bằng chứng là nhiều du khách Âu - Mỹ khi đến đây đã không chút băn khoăn khi cho trẻ con cưỡi trên lưng những con đà điểu nuôi trong nông trại.
“Lũ trẻ cưỡi đà điểu không khác gì cưỡi ngựa. Còn người lớn thì đi dạo trong thị trấn tìm mua những đồ vật làm từ lông đà điểu. Ngoài việc khai thác vàng và đánh bắt bào ngư, tới nay việc chăn nuôi đà điểu đã khiến Nam Phi trở nên nổi bật. Điều mà chúng tôi đã bỏ quên trong quá nhiều năm” - ông Modise nói.