“Bóng ma” tin giả trên không gian mạng
Thời gian qua rất đáng lo ngại khi tin đồn, tin giả phát tán với tốc độ cấp số nhân trên không gian mạng. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã so sánh tin giả với “bóng ma”, vì doanh nghiệp không biết được nguồn xuất phát của tin. Cơ quan chức năng cũng cho rằng tin giả như một loại virus độc, gây hoang mang, làm rối dư luận.
Mới đây, mạng xã hội lan truyền tin một người tự xưng là cháu gái của Bộ trưởng Bộ Công an. Người phụ nữ này “nhậu nhẹt quá cỡ” rồi lái xe gây tai nạn, nhưng lại được cho rằng công an bao che, trong khi người bị nạn lại bị làm khó dễ. Nhưng đó hoàn toàn là tin bịa đặt sai sự thật. Cụ thể, công an đã phạt người phụ nữ lái xe vi phạm nồng độ cồn với tổng số tiền 46 triệu đồng và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
Trung tá Phạm Văn Chiến - Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an Hà Nội khẳng định, đây là vụ va chạm giao thông bình thường, nhưng một số người cố tình đăng tin sai lệch lên mạng xã hội tạo dư luận xấu, gây ảnh hưởng đến các cá nhân không liên quan đến sự việc.
Câu hỏi đặt ra là làm gì để ngăn chặn triệt để thông tin sai sự thật cũng như lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo? Nói như đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) thì đây là cuộc chiến “trường kỳ và lâu dài”. Tuy nhiên, khó mấy cũng phải làm.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã so sánh tin giả với bóng ma khi nó tác động rất lớn đến kinh tế xã hội, nhất là với doanh nghiệp, vì khi có một thông tin chưa chính xác đưa ra về hoạt động, về ban lãnh đạo công ty, doanh nghiệp lập tức sẽ bị tác động từ người mua hàng, từ ngân hàng, đối tác của doanh nghiệp.
Tin giả nhưng tác động là thật, khiến mọi người hoang mang, ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Đáng tiếc là khi tham gia mạng xã hội, nhiều người không lượng định, không kiểm tra nguồn tin đã vội vã chia sẻ, phát tán; chưa nói còn thêm bớt, bình luận càng khiến cho loại virus nhiều độc tố này lây lan với tốc độ của dịch bệnh.
Người tham gia mạng xã hội cần có trách nhiệm với cộng đồng, nhất là phải tự trang bị cho mình “bộ lọc thông tin” để không vô tình dính bẫy của những kẻ tung tin giả với mục đích xấu. Đơn giản nhất là cần bình tĩnh định lượng thông tin đó có gây hoang mang không, có đưa tới cộng đồng năng lượng tiêu cực, u ám hay không.
Bình tĩnh kiểm chứng thông tin là cách tốt nhất để mỗi người đối phó với “cơn bão” tin giả trên mạng internet.
Tuy nhiên, ở đây, vai trò của cơ quan chức năng là hết sức quan trọng. Đặc biệt cần có sự phản ứng nhanh khi tin giả, xấu độc xuất hiện. Một mặt cần truy vết nguồn tung tin để có hình thức xử lý thích hợp; mặt khác cần có phát ngôn chính thức bác bỏ, định hướng đúng dư luận. Có như vậy, ưu thế của internet mới được phát huy hiệu quả.
Thời đại kỹ thuật số, người dân cũng thay đổi cách tiếp cận thông tin khi có xu hướng chủ yếu đọc tin trên mạng internet. Sự thay đổi này tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Mạng xã hội là môi trường lưu chuyển thông tin rất nhanh chóng. Nếu thông tin đúng thì xã hội “được nhờ”, ngược lại sẽ có tác động tiêu cực.
Nhân đây, cũng cần tiếp tục cảnh báo nạn lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng, mà gốc rễ của nó là động cơ tài chính. Rất nhiều người đã trở thành nạn nhân. Đặc biệt là người già, phụ nữ. Một khảo sát cho thấy, trong 10 người bị lừa trên mạng thì có tới 7 người là phụ nữ ở độ tuổi từ 55 trở lên.
Cục An toàn thông tin đã chỉ ra 3 nhóm hình thức lừa đảo trên không gian mạng. Đó là: dẫn dụ người dùng cài phần mềm độc hại lên máy tính; lừa bấm vào link để gửi mã OTP chuyển tiền; đề nghị người dùng chuyển khoản.
Nhìn chung, với cả 2 hình thức tung tin giả sai sự thật và lừa đảo trên mạng, rất cần phải được xử lý nghiêm minh. Điều đó nhằm bảo vệ người tham gia mạng xã hội, đồng thời tạo ra sự an toàn khi mạng xã hội được “làm sạch”.