Quảng Ninh: Giải bài toán thu nhập từ nông nghiệp “xanh”
Thay đổi tập quán sản xuất, tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác, đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất, tiêu thụ... đang được xem là bước đi quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Sỹ Bính (SN 1966, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh), vốn là một ngư dân chủ yếu nuôi cá song, hàu biển trên vùng biển đảo Phất Cờ (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn). Từ khi đại dịch Covid-19 hoành hành, giá cá song và hàu giảm mạnh. Có thời điểm, việc tìm đầu ra cho sản phẩm trở nên bế tắc, dẫn đến thua lỗ. Qua các hội thảo, hội nghị của Hội Nuôi biển Việt Nam về nghề nuôi rong sụn, ông Bính cho rằng sẽ khả thi nếu nuôi trên vùng biển Phất Cờ.
Năm 2021, ông Bính thí điểm nuôi những ô rong sụn nhỏ lẻ xen kẽ với các dây nuôi thả hàu. Đầu năm 2022, diện tích nuôi rong sụn của ông Bính được nhân lên 5ha, gồm cả nuôi xen kẽ nhuyễn thể và nuôi tập trung rong sụn.
Để giảm tình trạng cá rìa quanh bờ đến ăn giá thể rong sụn giống, ông Bính đưa vùng nuôi rong ra xa so với chân đảo Phất Cờ. Đồng thời, ưu tiên chọn vùng nước có nền nhiệt ổn định từ 25 - 28 độ C để kích thích sự phát triển của cây rong.
Kết quả, cây rong sụn tại đảo Phất Cờ đạt độ trưởng thành tốt chỉ sau 2 tháng nuôi. Đây cũng là thời kỳ rong sụn có nhiều thành tố tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí trở thành nguyên liệu để chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược liệu và được coi là ‘nhân sâm biển’ vì mang lại nhiều lợi ích kinh tế.
Theo ông Bính, với mức tăng trưởng như trên, mỗi năm có thể nuôi trồng 3 vụ rong sụn (trừ 4 tháng mùa Đông), sản lượng đạt 70 - 100 tấn/ha/năm. Với giá bán trên thị trường hiện nay là 2.500 - 3.000 đồng/kg tươi, doanh thu từ rong sụn có thể đạt khoảng 200 triệu đồng/ha, cho lợi nhuận 30 - 50% doanh thu.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, cơ sở tiêu chuẩn VietGAP được duy trì, kiểm soát về ATTP với 1.095ha đất trồng trọt; 45ha đất trồng trọt hữu cơ được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ; 94ha lúa chất lượng cao Japonica và ST25; có 9 cơ sở đóng gói và 51 vùng trồng được cấp mã số; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 59 loại nông sản an toàn được xác nhận. Duy trì quy mô đàn gia súc, gia cầm, đàn lợn; tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, giảm so với cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 726 cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành; có 524 HTX nông nghiệp, tổng hợp.
Nhiều dự án, mô hình triển khai hiệu quả, như: Sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo hướng VietGAP; ứng dụng công nghệ máy bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp tại TX Quảng Yên; xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt VietGAP, liên kết HTX với chuỗi giá trị và xây dựng sản phẩm OCOP tại xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả); chăn nuôi bò lai BBB sinh sản tuần hoàn tại TX Đông Triều; chăn nuôi ngan (ngan sao) thương phẩm an toàn sinh học và xây dựng mô hình trồng hồi ghép theo hướng hữu cơ phục vụ chế biến và xuất khẩu tại huyện Bình Liêu; nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại TX Quảng Yên…
Những kết quả đạt được sẽ là nền tảng vững chắc để Quảng Ninh phát triển theo định hướng “xanh” đã lựa chọn.