Những lưu ý cần thiết về thẻ căn cước
Luật Căn cước sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024, thay thế Luật Căn cước công dân. Từ thời điểm đó, thẻ căn cước công dân cũng chính thức có tên gọi mới là thẻ căn cước, với nhiều thay đổi cả về nội dung lẫn hình thức.
Theo đó, mục “quê quán” đổi thành “nơi đăng ký khai sinh”, “nơi thường trú” đổi thành “nơi cư trú”, đồng thời di chuyển sang mặt sau của thẻ thay vì mặt trước như hiện nay. Chữ ký của cơ quan cấp thẻ đổi từ “Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội” thành “Bộ Công an”.
Những điểm mới của thẻ Căn cước
Trên mặt thẻ căn cước sẽ không còn các thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải - vốn là những thông tin quen thuộc thể hiện trên chứng minh nhân dân (CMND) và Căn cước công dân (CCCD).
Theo Bộ Công an, việc lược bỏ vân tay, đặc điểm nhân dạng trên mẫu thẻ mới nhằm bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ. Tuy không còn thể hiện trên mặt thẻ nhưng những thông tin này vẫn sẽ được quản lý thông qua bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ (chip điện tử). Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể khai thác thông tin bằng các phương tiện nghiệp vụ, không phát sinh vướng mắc.
Tương tự, mã QR code trên thẻ căn cước cũng được đề xuất chuyển sang mặt sau, thay vì mặt trước như hiện hành. Thông tin trong mã QR code bao gồm: họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân của chủ hộ, cha, mẹ, vợ, chồng, con; số CMND 9 số (nếu có); số định danh cá nhân đã hủy (nếu có).
Một quy định mới quan trọng nữa tại luật Căn cước so với luật CCCD, đó là người dưới 14 tuổi cũng sẽ được cấp thẻ căn cước (theo nhu cầu chứ không bắt buộc).
Khi luật Căn cước có hiệu lực, thẻ CCCD vẫn có giá trị sử dụng hết thời hạn ghi trên thẻ, vì thế người dân không bắt buộc phải cấp đổi. Việc cấp thẻ căn cước sẽ thực hiện từ ngày 1/7, và áp dụng với các trường hợp sau: thẻ CCCD hết hạn, công dân đến tuổi cấp lần đầu, người có nhu cầu đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước hoặc có thay đổi thông tin liên quan đến cá nhân.
Dự kiến lệ phí khi làm thẻ Căn cước
Theo quy định tại Luật Căn cước, cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an là đơn vị duy nhất có thẩm quyền cấp thẻ căn cước cho người dân. Vậy người dân khi đi làm thẻ (đổi thẻ) thì có mất phí không?
Hiện nay, quy định về lệ phí cấp CCCD được thực hiện theo Thông tư số 59/2019 của Bộ Tài chính. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ CCCD phải nộp lệ phí. Các mức thu lệ phí cụ thể như sau:
- Công dân chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang cấp thẻ CCCD: 30.000 đồng/thẻ.
- Đổi thẻ CCCD khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 50.000 đồng/thẻ.
- Cấp lại thẻ CCCD khi bị mất thẻ, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của luật Quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ.
Các trường hợp không phải nộp lệ phí bao gồm:
- Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ CCCD lần đầu.
- Đổi thẻ CCCD khi đến tuổi quy định (25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi).
- Đổi thẻ CCCD khi có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD do lỗi của cơ quan quản lý CCCD.
Với việc đổi tên theo quy định tại Luật Căn cước, dự kiến các mức lệ phí áp dụng với thẻ căn cước sẽ tương đồng với thẻ CCCD.
Làm thẻ Căn cước ở đâu?
Theo quy định tại Luật Căn cước, công dân có thể thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước tại các nơi sau:
- Thứ nhất là cơ quan quản lý căn cước của công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công dân cư trú.
- Thứ hai là cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an đối với những trường hợp do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định.
Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân.
Vẫn theo quy định tại luật, cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) là đơn vị duy nhất có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Cơ quan quản lý căn cước của công an cấp huyện hoặc cấp tỉnh chỉ tiếp nhận hồ sơ, thu nhận thông tin rồi chuyển về cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an.
Việc tổ chức in, phát hành thẻ căn cước tập trung tại cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an sẽ tiết kiệm chi phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, nguyên liệu và chi phí in ấn thẻ. Do đó, Luật Căn cước chỉ giao một đầu mối là cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an có thẩm quyền cấp thẻ căn cước, phù hợp với công nghệ và thực thế quản lý hiện nay.