Kinh tế

Thủy sản Việt được ưa chuộng tại Australia

Khanh Lê 12/03/2024 07:29

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 2 tháng đầu năm nay, Australia là một trong những thị trường thủy sản Việt Nam có mức tăng trưởng xuất khẩu cao, khi tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

anhbaitren(6).jpg
Xuất khẩu tôm có tín hiệu khả quan ngay từ đầu năm 2024. Ảnh: Vasep.

Dư địa tốt cho ngành thủy sản

Theo VASEP, nhờ lợi thế từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Australia là thị trường có dư địa tốt cho doanh nghiệp (DN) thủy sản Việt Nam. Mối quan hệ hợp tác tốt và sự quan tâm tích cực của chính phủ 2 nước cho hoạt động thương mại, trong đó có giao thương thủy sản. Riêng trong tháng 1/2024, xuất khẩu thủy sản sang Australia bứt phá mạnh mẽ với mức tăng gần 90% so với cùng kỳ, đã phản ánh được sức hút của thị trường này với doanh nghiệp Việt Nam cũng như sự hồi phục nhu cầu của thị trường với thủy sản Việt Nam.

Tôm, cá tra và một số loài cá biển là nhóm ngành hàng chủ lực xuất khẩu sang thị trường Australia. Trong đó, tôm chiếm trên 60% với kim ngạch trên 34 triệu USD trong 2 tháng đầu năm nay, tăng 20% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá tra sang Australia tăng gần 70% trong 2 tháng, đạt hơn 6 triệu USD, xuất khẩu các mặt hàng cá biển khác (trừ cá ngừ) tăng mạnh 72%.

Hiện nay, Australia là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 5, chiếm 3,4% tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Australia tăng trưởng liên tục. Nếu như năm 2018, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Australia chỉ đạt 197 triệu USD thì đến năm 2022 đã tăng lên 365 triệu USD. Mặc dù năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm xuống 312 triệu USD song sự sụt giảm này là do tình hình chung của cả thế giới. Tuy nhiên, xét về tỷ trọng và vị thế, đã có sự thay đổi đáng kể trong thương mại thủy sản giữa Việt Nam và Úc: tự vị trí thị trường thứ 9 với tỷ trọng 2,2% đã vượt lên vị trí thứ 5 và tỷ trọng lên 3,4%.

“Australia là thị trường tiềm năng do hơn 65% tiêu thụ thủy sản trong nước là từ nguồn nhập khẩu. Thị trường này nhập khẩu thủy sản từ hơn 95 nước trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung cấp thủy sản hàng đầu tại Australia, chiếm trên 22% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của thị trường này” - đại diện VASEP cho biết.

Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Phú Hòa - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia (Bộ Công thương) cho biết, thương mại song phương Việt Nam và Australia trong tháng 1/2024 có sự phục hồi và tăng trưởng rất tích cực so với cùng kỳ và những tháng cuối năm 2023. Nhất là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này tăng mạnh trong tháng 1, đạt 521,9 triệu USD, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 31,1% so với tháng 12/2023.

Nhằm hỗ trợ DN kết nối giao thương, phát triển thị trường tại Australia, thời gian vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá, kết nối với các đối tác Australia.

Thương vụ Việt Nam tại Australia phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương trong quá trình xây dựng dự thảo tài liệu Hội nghị, cung cấp thông tin cập nhật về tình hình thị trường Australia, những cơ hội, thách thức khi xuất khẩu sang thị trường, đồng thời đưa ra những khuyến nghị hỗ trợ DN Việt Nam tăng cường năng lực, sức cạnh tranh, thương hiệu để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sản phẩm, hàng hoá Việt Nam sang thị trường Australia.

Trong quý II/2024, Thương vụ Việt Nam tại Australia sẽ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ DN tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu vào Australia. Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, để đảm bảo xuất khẩu thủy sản vào quốc gia này, các DN Việt Nam cần chú ý nhiều quy chuẩn, quy định riêng của Australia. Cụ thể như thủy sản nhập khẩu vào Australia cần phải đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe về an toàn sinh học, tuân thủ các quy định về an toàn sinh học trong đạo luật An toàn sinh học 2015. Đồng thời, mặt hàng thủy sản phải cũng phải đảm bảo về an toàn thực phẩm theo Luật Kiểm soát thực phẩm nhập khẩu năm 1992 và bộ luật tiêu chuẩn thực phẩm của Australia – Newzealand.

Đánh giá chung về thị trường xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) cho rằng: Các DN xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với tình trạng dư cung, tồn kho nhiều, giá thấp và áp lực cạnh tranh lớn,… Cùng với đó là những thách thức mới như căng thẳng Biển Đỏ làm cước vận tải tăng, thẻ vàng IUU và thuế chống trợ cấp sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của DN.

Mặc dù nhiều DN cho rằng thị trường chưa thực sự khởi sắc và còn nhiều khó khăn, nhưng những con số tăng trưởng của 2 tháng đầu năm đã mang lại sự tin tưởng và hy vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ hơn trong năm nay.

Khanh Lê