Giáo dục

Dạy học tích hợp để định hướng nghề nghiệp – Bài 1: Dạy học tích hợp - xu hướng không thể khác

Hương Lê 12/03/2024 07:32

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 3 triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Những cái khó trong dạy và học các môn tích hợp đang được tháo gỡ dần; các cơ sở đào tạo sư phạm đã chủ động đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp. Vậy những khó khăn đã được tháo gỡ ra sao, các nhà trường thích ứng thế nào với dạy - học tích hợp? Bắt đầu từ số này, Báo Đại Đoàn Kết đăng tải loạt bài “Dạy học tích hợp để định hướng nghề nghiệp”.

anh-bai-chinh.jpg
Dạy tích hợp là phương pháp hiệu quả để phát triển năng lực, phẩm chất của người học (Trong ảnh: Học sinh trường THCS Kim Giang,quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.

Thời điểm này, nhiều trường THCS ở Hà Nội và các địa phương trong cả nước đang tổ chức kiểm tra giữa học kỳ II năm học 2023 - 2024. Việc dạy và học tích hợp kể từ sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có hướng dẫn gỡ khó đã từng bước được giải quyết dựa trên điều kiện thực tế của mỗi nhà trường.

Từng bước tháo gỡ vướng mắc

Cho đến cuối học kỳ I năm học 2023 - 2024, báo cáo của 33/63 Sở GDĐT cho thấy, đến nay dạy học tích hợp vẫn vướng mắc trong việc triển khai. Đó là giáo viên được đào tạo đơn môn nhưng phải dạy liên môn. Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 có môn Khoa học tự nhiên (KHTN), Lịch sử và Địa lý là môn học tích hợp. Vì không có nhân sự, phần lớn các trường vẫn đang chia theo phân môn để giảng dạy.

KHTN (bao gồm Lý, Hóa, Sinh), tuy tên gọi là một môn học, nhưng vẫn có 2 - 3 giáo viên giảng dạy những môn riêng lẻ. Ngược lại, có những nơi một giáo viên phải dạy 2 - 3 phân môn trong tổ hợp. Điều này gây ra rắc rối và phức tạp trong việc phối hợp, thống nhất nội dung, phương pháp dạy học, đánh giá học sinh... Học sinh phải học liên tục một chủ đề liên quan đến môn Vật lý rồi mới tiếp tục học Hóa học, Sinh học hoặc ngược lại, do vậy không được ôn luyện cả 3 phân môn này thường xuyên, dễ xảy ra tình trạng “rơi rụng” kiến thức.

Trước đó, tháng 10/2023, Bộ GDĐT đã ra văn bản hướng dẫn dạy tích hợp trong bối cảnh hầu hết các trường chưa có giáo viên môn này, nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc dạy môn KHTN, Lịch sử và Địa lý. Với môn KHTN, có 4 mạch nội dung xuyên suốt, gồm: Chất và sự biến đổi của chất, Năng lượng và sự biến đổi, Vật sống, Trái đất và bầu trời, tương ứng với nội dung của các môn Lý, Hoá, Sinh trước đây. Bộ đề nghị các trường phân công giáo viên giảng dạy có chuyên môn phù hợp với nội dung, theo mạch chương trình. Còn với môn Lịch sử và Địa lý, Bộ hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch dạy học theo từng phân môn thay vì học theo mạch kiến thức như KHTN.

Như vậy, từ khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 đến nay, đã có không dưới 3 văn bản hướng dẫn dạy các môn học tích hợp từ song song đến cuốn chiếu và giờ không còn quy định bắt buộc giáo viên dạy theo logic sắp xếp tuyến tính, không bắt buộc dạy học cuốn chiếu, tùy điều kiện có thể dạy đồng thời các mạch nội dung của 3 phân môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Với môn Lịch sử và Địa lý, thay vì học theo mạch kiến thức, giáo viên dạy theo từng phân môn Lịch sử, Địa lý và các chủ đề liên môn.

anh-thay-anh-chinh.jpg
Học sinh trường THCS Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) trong giờ học tích hợp. Ảnh: Quang Vinh.

Địa phương linh hoạt

Thực tế, hướng dẫn nói trên của Bộ GDĐT là cách mà nhiều trường đã áp dụng - tức là dạy môn tích hợp nhưng theo kiểu giáo viên môn nào dạy riêng môn đó. Ví dụ, môn KHTN sẽ do các giáo viên Hóa, Lý, Sinh giảng dạy, thay vì chỉ cần một giáo viên duy nhất đảm nhiệm. Với môn Lịch sử và Địa lý cũng tương tự. Việc ra đề kiểm tra, chấm điểm cho học sinh cũng do các giáo viên thỏa thuận, phân chia nhau. Có trường dạy theo mạch chương trình, có trường lại để giáo viên dạy lần lượt từng môn, chẳng hạn dạy hết môn Lý rồi đến môn Hóa, sau đến môn Sinh.

Trong báo cáo tổng kết năm học 2022 - 2023, Bộ GDĐT cũng chỉ ra việc phân công giáo viên dạy các môn học tích hợp chưa bảo đảm thực hiện nguyên tắc phân công giáo viên phù hợp với năng lực chuyên môn theo hướng dẫn, dẫn tới khó khăn trong việc bảo đảm chất lượng, đồng thời làm tăng áp lực đối với giáo viên…

Tại Hội nghị tập huấn toàn quốc về dạy môn tích hợp trong chương trình GDPT mới do Bộ GDĐT tổ chức vào tháng 12/2023, bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT Yên Bái cho biết, văn bản gỡ khó hồi tháng 10/2023 của Bộ GDĐT về dạy học tích hợp ở bậc THCS đã giúp gỡ bỏ dần được các khó khăn, vướng mắc. Sở GDĐT yêu cầu các trường không bắt buộc giáo viên dạy tất cả các phân môn trong môn tích hợp như trước mà giao quyền chủ động cho nhà trường trong việc phân công giáo viên và xếp thời khóa biểu. Bên cạnh đó, tăng cường bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng môn KHTN, Lịch sử và Địa lý cho hàng trăm giáo viên…

Ông Vũ Đức Thọ - Phó Giám đốc Sở GDĐT Nam Định chia sẻ, từng bước tháo gỡ khó khăn, đến nay địa phương đã dần thích ứng, cách bố trí dạy học các môn tích hợp là căn cứ số lượng giáo viên hiện có, chuyên môn đã được đào tạo để phân lớp. Có nơi, giáo viên dạy song song 2 phân môn, có nơi đã dạy được cả 3 phân môn. Để làm được điều này, Sở đã tập huấn đội ngũ, sắp xếp biệt phái giáo viên từ trường này sang trường khác. Toàn tỉnh có 182 giáo viên biệt phái dạy học các môn tích hợp, đảm bảo thực hiện chương trình. Trước và trong quá trình triển khai tổ chức nhiều chuyên đề cho giáo viên các trường học tập lẫn nhau.

Chủ động khắc phục những khó khăn đối với các môn học trong Chương trình GDPT 2018, ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng cho hay, Sở đã xây dựng đề án bồi dưỡng giáo viên trình UBND tỉnh. Trong đó, Sở GDĐT phối hợp với các trường đại học (ĐH) bồi dưỡng cho các giáo viên, để một giáo viên có thể đáp ứng được dạy nhiều nội dung trong các môn học. Bên cạnh đó, để giáo viên có thể thực hành, Sở đã tổ chức các hội nghị chuyên đề cấp thành phố nhằm cung cấp, thực hiện phương pháp dạy học mẫu. Sau mỗi hội nghị, tiếp tục triển khai rút kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp thực tế nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ.

Thực tế cũng đã chỉ ra, trong rất nhiều những khó khăn trong việc dạy - học tích hợp, khó khăn đầu tiên là thiếu giáo viên, cơ cấu không đồng đều giữa các phân môn để đảm bảo dạy đúng chuyên môn, một số giáo viên còn thiếu kinh nghiệm trong việc giảng dạy môn tích hợp hoặc không được đào tạo đầy đủ. Nhằm gỡ khó, Bộ GDĐT đã hướng dẫn các nhà trường, căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Theo đó, các trường cần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, để công tác dạy học các môn và hoạt động giáo dục tại các nhà trường được triển khai tốt hơn, các đơn vị chức năng thuộc Bộ cần tiếp tục lắng nghe ý kiến từ cơ sở để tham mưu, chỉ đạo, thực hiện tốt hơn nữa Chương trình GDPT 2018. Từ đó có giải pháp tháo gỡ cho nơi khó khăn, nhân rộng các mô hình làm tốt, xử lý kịp thời các đơn vị chểnh mảng.

Thực học, thực nghiệp

Các chuyên gia giáo dục đều có nhận định chung rằng, để đổi mới Chương trình GDPT thì yêu cầu dạy - học tích hợp là xu thế tất yếu. PGS.TS Định Thị Kim Thoa - nguyên Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích: Tích hợp là xu thế tất yếu vì suy cho cùng, giáo dục phải mang lại năng lực cho từng cá nhân. Đối với mỗi giai đoạn, chúng ta sẽ trang bị cho học sinh, lựa chọn chương trình thế nào để có thể hình thành năng lực thực tiễn cho người học. Từ trước đến nay chúng ta có những môn khoa học khác nhau trong chương trình GDPT để hình thành cho học sinh những kiến thức, kỹ năng.... Điểm chưa hài lòng với mục tiêu giáo dục là học sinh chúng ta chưa thực sự có năng lực thực tiễn.

Còn theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban nghiên cứu đánh giá giáo dục - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, dạy tích hợp là chủ trương đúng, nhưng thiếu cơ sở vật chất và giáo viên để thực hiện hiệu quả. Sẽ rất đáng tiếc nếu môn tích hợp bị tách về các môn đơn lẻ. Thực tế cho thấy, tích hợp không sai. Cái cần sửa là những điều chưa đúng khi thực hiện dạy tích hợp. Trên thế giới, tất cả nghiên cứu chỉ ra rằng các nền giáo dục phát triển cũng theo hướng dạy tích hợp, bởi đây là phương pháp hiệu quả để phát triển năng lực, phẩm chất của người học.

Bà Thơ nhấn mạnh, có thể hiện tại, lợi ích của việc dạy - học tích hợp mà chúng ta nhìn được chỉ là sự hứng thú học của học sinh, nhưng sau này sẽ trở thành năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực chuyên môn mà các em có thể vận dụng trong định hướng nghề nghiệp.

Nhiều chuyên gia đồng tình việc học tích hợp giúp học sinh sớm làm quen với việc sử dụng sơ đồ tư duy, có kỹ năng tìm kiếm thông tin, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng tổng hợp thông tin. Đó là những kỹ năng mềm mà học sinh cần được phát triển để thực học, thực nghiệp tốt hơn.

anh-kem-box.jpg

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, tổ chức dạy học tích hợp, việc đào tạo, bồi dưỡng là quá trình liên tục, gắn với mục tiêu trước mắt và lâu dài, mang tầm chiến lược với phương châm tập trung cao độ nhất cho đội ngũ giáo viên.

(còn nữa)

Hương Lê