Xây dựng thương hiệu du lịch Hải Phòng mang đẳng cấp quốc tế
Tháng 9/2023, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây là cơ hội để Hải Phòng đẩy mạnh phát triển du lịch biển đảo, xây dựng thương hiệu du lịch đẳng cấp quốc tế.
Đa dạng sản phẩm du lịch
Năm 2023, ngành du lịch Hải Phòng đón khoảng 7,9 triệu lượt khách, tăng 12,85% so với cùng kỳ và tăng 8,22% so với kế hoạch năm 2023.
Ông Vũ Huy Thưởng, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hải Phòng cho biết, trước đây, du lịch Hải Phòng thường được ví von như nàng công chúa “ngủ đông” vì mang tính mùa vụ, tập trung chủ yếu vào sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng trên biển, theo xu thế chung của cả miền Bắc. Tuy nhiên, thời gian qua, để có thể “bứt phá”, Hải Phòng đã tạo sự đa dạng trong sản phẩm du lịch nhằm gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách trong cả bốn mùa.
Trong đó, du lịch kết hợp thể thao là một trong những sản phẩm hấp dẫn du khách. Sự kiện giải chạy Vnexpress Marathon Hải Phòng vào cuối năm 2023, dù không là mùa du lịch cao điểm nhưng cũng đã thu hút khoảng 11.000 vận động viên cùng hàng chục nghìn du khách trong và ngoài nước đến với khu du lịch Đồ Sơn. Hay như hoạt động du lịch Golf tại Hải Phòng cũng dần trở thành điểm đến của nhiều du khách. TP Hải Phòng đã có những giải pháp tích cực kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để khai thác khách du lịch kết hợp Golf...
Chỉ tính riêng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (8-14/2), TP Hải Phòng đã đón khoảng 125.800 lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 16.800 lượt khách quốc tế.
Ngoài ra, Hải Phòng đã xây dựng hai sản phẩm du lịch mới khai thác giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc vốn có như: Tham quan trải nghiệm văn hoá gắn với hướng nghiệp cho học sinh và Free Walking tour (đi bộ, tìm hiểu các điểm đến hấp dẫn nội thành Hải Phòng) nhằm thúc đẩy sản phẩm Food tour. Nhờ sự đa dạng của các tour, tuyến mới, cung đường sắt Hải Phòng – Hà Nội đã trở thành một trong những cung đường "bận rộn nhất Việt Nam” trong năm 2023.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Năm 2024, Hải Phòng đặt mục tiêu đón hơn 9 triệu lượt khách, trong đó, du lịch biển đảo là cốt lõi. Sự kiện Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (gọi tắt là Di sản) được UNESCO ghi danh vào tháng 9/2023 vừa qua là cơ sở để du lịch biển đảo Hải Phòng có cơ hội “cất cánh”.
Sau 8 năm, Việt Nam mới có thêm một di sản được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây cũng là Di sản đầu tiên có sự quản lý liên tỉnh, đánh dấu mốc quan trọng khẳng định sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm của TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh cùng liên kết bảo tồn và phát triển bền vững những giá trị nổi bật toàn cầu và tính toàn vẹn của Di sản.
Ông Phạm Trí Tuyến, Trưởng phòng Văn hoá huyện Cát Hải cho biết, tính riêng trong năm 2023, lượng khách du lịch đến với quần đảo Cát Bà tăng 30% so với năm 2022, đạt gần 3,1 triệu lượt. Lượng khách quốc tế tăng gấp 7 lần so với năm 2022, đạt gần 555.000 lượt. Sản phẩm nghỉ qua đêm trên các Vịnh thuộc quần đảo Cát Bà tiếp tục thu hút gần 1 triệu lượt khách. Ông Tuyến cho rằng, sự tăng trưởng “vượt trội” của du lịch Cát Bà nói trên một phần do danh hiệu Di sản mới mang lại.
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khẳng định: Đối với Hải Phòng nói riêng, việc đón nhận Di sản là cơ hội thiết lập một thương hiệu du lịch quốc tế, đúng với tinh thần phát triển ba trụ cột kinh tế (công nghiệp công nghệ cao; cảng biển - logistics; du lịch - thương mại) của Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ thành phố và Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Ngay sau Di sản được công nhận, Hải Phòng đã và đang xem xét, kiện toàn Ban Quản lý Di sản thiên nhiên quần đảo Cát Bà trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hiện có như: Vườn quốc gia Cát Bà, Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà… để thống nhất quản lý, phát huy giá trị của Di sản.
Theo quan điểm của ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hải Phòng, giữa Cát Bà và Hạ Long hiện có sự chênh lệch trong cả công tác quản lý và đầu tư phát triển. Do đó, Hải Phòng cần chú trọng đầu tư hơn nữa đối với cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch tại quần đảo Cát Bà.
“Hiện tại, ngoài việc quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng chuyển đổi số trong marketing cũng như liên kết, hợp tác, phối hợp trong phát huy giá trị Di sản phục vụ phát triển du lịch giữa Hải Phòng và Quảng Ninh thì việc đầu tư xây dựng bến tầu đón khách du lịch nghỉ đêm trên vịnh Lan Hạ nhằm khai thác hiệu quả dòng khách du lịch có mức chi trả cao là việc cấp bách cần có sự quan tâm, chỉ đạo của thành phố”, ông Vũ Huy Thưởng, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hải Phòng nhận định.