Bải hoải vì ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí đã thực sự trở thành vấn đề với Hà Nội. Mới đây, hãng tin Reuters và Euronews đã có bài về vấn đề này. Đáng chú ý, ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã kéo dài nhiều năm. Nhiều hội thảo, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng mức độ ô nhiễm không khí vẫn trầm trọng.
Theo dữ liệu từ AirVisual, cơ quan cung cấp thông tin ô nhiễm không khí toàn cầu, mức độ bụi mịn nguy hiểm (được gọi là PM 2.5) trong không khí ở Hà Nội ở mức 187 microgam trên mét khối vào cuối ngày 4/3, mức cao nhất trong danh sách các thành phố quốc tế bị ô nhiễm nhất. Trong khi đó, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng khí thải từ 8 triệu phương tiện đã đăng ký của Hà Nội chiếm 30% ô nhiễm bụi không khí và lượng khí thải công nghiệp chiếm 30%.
Theo trang web giám sát chất lượng không khí IQAir, có ngày mật độ bụi mịn (PM 2.5) ở Hà Nội đã cao hơn 11 lần so với mức an toàn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định. Theo WHO, ước tính rằng ô nhiễm không khí có liên quan đến hơn 60.000 ca tử vong sớm ở Việt Nam mỗi năm.
Kể từ đầu tháng 3 tới nay, ô nhiễm không khí kéo dài, người Hà Nội chịu nhiều thiệt hại về kinh tế và sức khỏe. Nhiều hôm, từ sáng sớm cho tới 9 giờ, không gian mù mịt như “nuốt” mất những tòa nhà cao tầng. Buổi tối, đi từ nội thành ra ngoại thành, bóng đèn đường vốn sáng trắng bỗng trở nên đỏ đục do sương và bụi lơ lửng. Theo nhận định của giới chuyên gia, từ nay cho đến mùa mưa (khoảng tháng 5), Hà Nội có thể tiếp tục đối mặt với các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng, thường xảy ra vào lúc không khí lạnh suy yếu.
Thống kê của cơ quan chức năng, với sự gia tăng nồng độ bụi mịn PM 2.5, trung bình mỗi năm ở Hà Nội có khoảng 1.600 ca nhập viện do bệnh tim mạch, gần 3.000 ca nhập viện do bệnh hô hấp, lần lượt tương đương với 1,2% và 2,4% tổng số ca nhập viện do 2 nhóm bệnh này ở người dân Hà Nội. Vì thế, chất lượng cuộc sống của người dân cũng bị ảnh hưởng. Chi phí khám, chữa bệnh hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm... đối với dân cư những quận nội thành trung tâm vào khoảng 1.500 đồng/người/ngày, tương đương 2.000 tỷ đồng/năm.
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng không chỉ là nỗi lo của nhà quản lý, cơ quan chuyên môn mà còn là của đông đảo người dân; đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em.
Theo TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, “mùa ô nhiễm không khí” nghiêm trọng tại Hà Nội và một số địa phương lân cận thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm. Nguyên nhân chủ yếu do mật độ tham gia giao thông dày đặc và các hoạt động dân sinh. Đường sá bụi bặm, công trình không được che chắn, cát sỏi vứt bừa bãi cũng là một nguyên nhân.
Vào năm 2019, Hà Nội cũng đã chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, bao gồm: khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các nguyên nhân khác là: đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.
Tuy nhiên, đã “bắt được mạch” nhưng “đơn kê” vẫn chưa hiệu nghiệm. Chính vì thế mà ngành Y tế thường xuyên phải đưa ra khuyến cáo người dân phải tự bảo vệ khi ra đường; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, ở khu vực chất lượng không khí xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt). Đặc biệt, đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu, Bộ Y tế khuyên thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Ô nhiễm không khí “do ông Trời” nhưng cũng là do con người. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã kéo dài quá nhiều năm, cần phải có giải pháp giải quyết đúng, căn cơ. Người người đều buồn vì có những hôm Hà Nội bị xếp “đầu sổ” các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Vậy, không lẽ đành chấp nhận hay sao?