Giám sát - Phản biện

Dự án Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành vùng đất hoang

Nguyễn Quý 13/03/2024 08:04

Từ một khu vực rừng ngập mặn trù phú ở huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh), chủ đầu tư đã xây dựng tuyến đê bao hơn 100 tỷ đồng để thực hiện Dự án Khu Nông nghiệp công nghệ cao. Để rồi hơn 3 năm sau, dự án vẫn là vùng đất hoang hóa.

anh-bai-tren(2).jpg
Dự án Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nằm tại vị trí ven biển thuộc 2 xã Tân Lập và Đầm Hà. Ảnh: N.Quý.

Khi rừng ngập mặn bị cô lập

Có mặt tại vị trí thực hiện Đề án Thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà (nằm trên địa bàn 2 xã Tân Lập và Đầm Hà), trước mắt chúng tôi là khu vực biển tiếp giáp đồi. Nằm trong tuyến đê bao hình chữ U là những cánh rừng ngập mặn, trải dài khoảng hơn 100ha.

Một người dân đang bắt ốc trong tán rừng ngập mặn cho biết, khu vực này trước đây là nơi mưu sinh của nhiều người dân thôn Sơn Hải (xã Đầm Hà). Cũng nhờ những cánh rừng ngập mặn này, nhiều loài hải sản quý sinh sôi, bà con đến đây đánh bắt rất nhiều. Nhưng kể từ năm 2021, khi huyện Đầm Hà triển khai xây dựng tuyến đê bao vây rừng ngập mặn, thì các loài hải sản trong khu vực dần biến mất, số người dân đến đây đánh bắt cũng thưa dần, giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Lý giải về việc này, người dân xã Đầm Hà cho hay: Phía trong tuyến đê bao, do lưu lượng nước biển vào hạn chế lại bị bồi lắng bởi đất, đá, nước ngọt từ phía đồi chảy ra, đã khiến hàng trăm ha rừng ngập mặn bị uy hiếp…

Còn ở phía ngoài đê bao, nhiều diện tích rừng ngập mặn vùng phụ cận cũng đang bị tác động tiêu cực. Bởi lẽ, mặc dù dự án đã hoàn thành từ lâu, nhưng hàng trăm mét khối bùn, đất đã không được thanh thải. Hậu quả là chất thải trong quá trình xây dựng để lại này đã bị thủy triều cuốn trôi tràn vào thảm rừng ngập mặn, làm hạn chế sinh trưởng của cây, hủy hoại môi trường sống của các loài hải sản…

Hiện nhiều vị trí sát chân đê đã có hiện tượng cây ngập mặn bị chết. Số lượng rừng ngập mặn còn lại bên trong đê, tuy còn sống nhưng gần như bị rút cạn sinh lực.

Dự án trăm tỷ bỏ hoang

Năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 3851 về việc phê duyệt Đề án thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà.

Mục tiêu của Đề án là hình thành Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nòng cốt là các tổ chức khoa học - công nghệ, doanh nghiệp tham gia đầu tư để phát triển công nghệ cao trong ngành nuôi trồng thủy sản công nghiệp hoặc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, nhằm nhân rộng ra các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao trong, ngoài tỉnh.

Theo đó, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ được xây dựng tại 2 xã Tân Lập và Đầm Hà với tổng diện tích 169,5ha. Tổng vốn đầu tư cho Dự án là gần 830 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 159 tỷ đồng, nguồn kinh phí này sẽ đầu tư trực tiếp vào đê biển kết hợp đường giao thông và thực hiện GPMB; vốn doanh nghiệp do Công ty CP Thủy sản Việt Úc đầu tư là 670 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ sản xuất.

Thế nhưng, sau khi hoàn thành phần đê bao trong hợp phần Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản từ năm 2020, đến nay những phần còn lại của Dự vẫn “án binh bất động”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Đặng Phúc Minh - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đầm Hà, cho biết: Tuyến đê bao dài 3.590m, rộng 6,7m, cao trình đê +4,7m, là dự án nhóm B, thuộc nhóm đê điều cấp V, có thể chịu được bão cấp 9. Công trình có tổng mức đầu tư ban đầu là 155 tỷ đồng từ ngân sách, do UBND huyện Đầm Hà làm chủ đầu tư. Dự án thi công từ năm 2019 và hoàn thành năm 2020. Theo quyết định phê duyệt quyết toán của Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh ngày 30/8/2022, thì tổng mức đầu tư Dự án được duyệt là trên 122,23 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là trên 94,5 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng là trên 13,06 tỷ đồng…

Ngày 26/11/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định số 1580 phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán xây dựng Dự án. Trên cơ sở chỉ rõ số liệu về diện tích rừng cần giải phóng nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị UBND huyện Đầm Hà có trách nhiệm chỉ đạo phối hợp, rà soát ranh giới dự án, đánh giá rõ từng loại rừng để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật…

Thế nhưng, trong khi việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, nhất là rừng ngập mặn chưa được hoàn thiện, thì UBND huyện Đầm Hà đã cho triển khai đầu tư dự án tuyến đê bao trên.

Trao đổi về tương lai của Dự án, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đầm Hà, cho hay: Hiện nay, phần diện tích đất rừng sản xuất đã được cấp có thẩm quyền của tỉnh và địa phương thông qua. Đối với diện tích rừng ngập mặn thì đã được hoàn thiện hồ sơ gửi tới các bộ, ngành trung ương để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi mục đích. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được phê duyệt.

Nguyễn Quý