Kinh tế

Sức lan tỏa của cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt

Quốc Định 13/03/2024 08:09

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) tại TPHCM đã đạt được sự chuyển biến lớn trong nhận thức và hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cho biết, khảo sát tại các số siêu thị lớn như Co.opmart, Satra, Bách Hoá Xanh… hàng Việt hiện áp đảo, chiếm 90 đến 95% tổng sản phẩm. Trong khi tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp (DN) nước ngoài như AEON, Centrail Retail, Mega Market… hàng Việt chiếm hơn 80%, tương tự như kênh phân phối tại cửa hàng tiện lợi.

anh-bai-duoi(1).jpg
Người tiêu dùng TPHCM ngày càng tin vào hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Ảnh: Q.Định.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trinh - Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Food, các nguồn hàng hóa của DN nhập về các siêu thị đều được kiểm định khá rõ ràng và nghiêm ngặt. Bởi thế, người tiêu dùng có thể tin tưởng vào chất lượng mà không lo hàng trôi nổi, không rõ nhãn mác. Còn theo bà Huỳnh Ngọc Bích Đào - Tổng Giám đốc Đồng Xanh Farm, DN làm sản phẩm Global Gap nhưng giá cũng chỉ cao hơn từ 10 - 15% so với giá hàng thông thường, nên sức tiêu thụ khá tốt.

Ông Trần Lâm Hồng – Phó tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op cho biết, hệ thống siêu thị này đã có riêng một chính sách đối với các DN sản xuất hàng Việt Nam chất lượng tốt, đặc biệt đối với tất cả các DN hàng Việt và đạt được các chứng nhận về hàng Việt Nam chất lượng cao hoặc là các chứng chỉ quản lý chất lượng, Sài Gòn Co.op ưu tiên trưng bày và làm các chương trình quảng bá, khuyến mãi người tiêu dùng để làm sao tạo điều kiện cho các sản phẩm này đến tay người dân được nhiều nhất.

Bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố bày tỏ lạc quan khi nhận thấy phần lớn các DN Việt đã tập trung vào chất lượng, mẫu mã, giá cả hàng hóa. “Đây là điều rất đáng mừng, cũng là điều kiện cần để Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đề ra Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hoá, cùng hành động, cùng nói không đối với nhà cung cấp vi phạm tiêu chuẩn chất lượng. Từ đó tạo sức răn đe tổng hợp; định hướng chuỗi cung ứng phát triển lành mạnh, an toàn và có trách nhiệm” - bà Yến nói.

Còn ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của thành phố cho rằng, chuỗi cung ứng bền vững sẽ tạo đòn bẩy duy trì mức tăng trưởng thương mại hàng Việt cả trong và ngoài nước, giúp thị trường đủ sức đề kháng với hàng kém chất lượng, hàng gian hàng giả.

Lãnh đạo Sở Công thương TPHCM cho biết, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sẽ tăng cường kết nối những tỉnh, thành phố trong cả nước tạo thêm sức mạnh tổng hợp về sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam. Trọng tâm của hoạt động nâng chất hàng Việt kể từ năm 2024 chính là “Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TPHCM. Trong đó, các DN được hỗ trợ từ nguồn tín dụng ưu đãi của các ngân hàng, gắn kết với những DN cung ứng, DN bán lẻ, DN phân phối chuẩn bị những đơn hàng lớn.

Quốc Định