Sẽ ra sao nếu Facebook biến mất
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay, họ thường tối ưu chi phí tiếp thị bằng quảng cáo tập trung trên Facebook. Rõ ràng khi không còn kênh này, họ sẽ phải phân tán nguồn lực sang các nền tảng khác để thu hút sự chú ý của khách hàng.
Về phía người dùng, một người sử dụng mạng xã hội bình thường nhất cũng cho rằng cuộc sống của họ sẽ bị đảo lộn. Ví dụ sẽ mất sạch những bức ảnh được lưu giữ kỷ niệm các sự kiện và hoạt động cùng gia đình, bạn bè.
Đối với những người bán hàng trực tuyến thì coi như mất sinh kế. Và họ không biết làm thế nào để tìm lại tệp khách hàng nếu Facebook biến mất.
Sự trở nên phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội là có thật, và nếu nó biến mất, đối với hàng chục triệu người, đó là điều sẽ cực kỳ tồi tệ.
Không nghi ngờ gì nữa, Facebook nói riêng và nói rộng ra là mạng xã hội nói chung đã trở thành chất gây nghiện trong đời sống hiện đại. Khi các tương tác xã hội ngày nay không còn diễn ra trực tiếp (mặt đối mặt) mà phụ thuộc vào các bài đăng. Nhiều người đăng Facebook, Twitter để tìm kiếm sự công nhận của người khác bằng nút like.
Tình trạng ngồi đếm like để thỏa mãn cái tôi cá nhân, nghĩ rằng càng nhiều like mình càng được yêu thích đã mỗi ngày khiến mọi người trở nên ít đồng cảm hơn, ít thấu hiểu người khác và tự cao hơn. Không khó khăn để bắt gặp hình ảnh những người bạn ngồi bên nhau, không ai nói với ai câu nào, tất cả đều dán mắt vào smartphone và gõ phím.
Thậm chí ở công viên, người ta cũng vừa đi bộ vừa lướt Facebook. Dường như là Facebook trở thành phương cách duy nhất để nhiều người tương tác với gia đình, bạn bè.
Nếu Facebook biến mất chúng ta rồi vẫn sống thôi nhưng sẽ phải tập để thích nghi với cuộc sống không Facebook.
Nhưng như chúng tôi đã nói ở trên, việc Facebook - mạng xã hội lớn nhất hành tinh, nếu như một ngày nào đó bỗng nhiên biến mất là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng đã và sẽ có những nền tảng khác xuất hiện thay thế.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã xây dựng nội dung cùng lúc trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau, vừa tận dụng tất cả các cơ hội, vừa đề phòng sự cố có thể xảy ra của một trong số các nền tảng mạng xã hội.
Mất Facebook chúng ta không cần yêu bố mẹ qua Facebook nữa
Mất Facebook cũng có cái tốt. Mất Facebook có khi chúng ta lại thấy mình không còn yêu bố yêu mẹ qua Facebook nữa, không đăng ảnh bố mẹ với những lời nhớ thương đẹp đẽ. Mà ta sẽ cất điện thoại vào túi, mang theo một món ngon ngon nhẹ nhàng đến thăm bố mẹ, thư thả trò chuyện với ông bà mà không còn nhấp nhổm câu được câu chăng vì còn bận comment, like, share.Mất Facebook bọn trẻ con hẳn cũng vui, vì chúng được yên lành mà học, mà lớn, vì không bị bố mẹ chụp kết quả học tập xuất sắc hay đăng ảnh đang chơi đàn, vẽ vời, làm bánh. Trẻ con thì học và làm với sự vô tư và say mê, chỉ có chúng ta trong vai bố mẹ mới đăng ảnh chúng lên với những sự khoe khoang ẩn giấu sau vẻ khiêm tốn kiệm lời.
Mất Facebook có khi nhiều cuộc tranh luận, phân biệt đối xử, thù địch lại bị xóa sạch, nó sẽ giúp chấm dứt sự chia rẽ giữa bạn bè, người quen, cộng đồng, ít nhất là tạm thời. Cộng đồng, xã hội, thế giới sẽ yên bình trở lại trước khi người ta kịp nghĩ ra cuộc chiến mới để mạt sát theo hình thức mới.
Mất Facebook cũng xóa được một số kẻ nói đạo lý, một số "bồ tát Quảng Châu", một số kẻ lừa đảo, một số kẻ chửi đổng, một số kẻ khoe khoang, một số kẻ làm màu, một số kẻ đau đời, một số người yêu cũ.
NHÀ BÁO MỸ HẰNG