Vụ án Vạn Thịnh Phát: Hầu hết khoản vay tại SCB là để đảo nợ
Ngày 13/3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục phần đặt câu hỏi của luật sư với các bị cáo.
Tại phiên tòa, các luật sư tập trung hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các cựu cán bộ Ngân hàng SCB về thủ đoạn cho vay và đảo nợ tại ngân hàng này.
Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) đã hỏi bị cáo Dung thế nào là “khoản vay đã cơ cấu”. Bị cáo Dung trả lời, khoản vay đã cơ cấu là khoản vay đã tới thời hạn trả nhưng không trả thì được cơ cấu khoảng thời gian trả nợ dài hơn, gồm cơ cấu cả gốc và lãi hoặc cơ cấu gốc trả lãi. Riêng các khoản vay tại Ngân hàng SCB, bị cáo Dung cho biết, đều cơ cấu cả gốc và lãi.
Theo bị cáo Dung, hầu như các khoản vay tại Ngân hàng SCB là khoản vay ngắn hạn, khi tới hạn chỉ có hai phương pháp là trả vào hoặc cơ cấu khoản vay. Nếu chọn phương pháp trả vào thì phải có khoản vay mới để đáo hạn khoản vay cũ. Do đó, khoản vay mới giải ngân nhưng dòng tiền không ra khỏi ngân hàng mà để trả khoản vay cũ.
Khi được hỏi về 617 hồ sơ vay vốn từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2022 có bao nhiêu khoản vay không có giải ngân mà chỉ tất toán nợ cũ, tạo nợ mới, bị cáo Dung cho biết, bị cáo không nhớ được vì số lượng nhiều, thời gian lâu, cũng không thống kê khoản nào rút ra, khoản nào đi tiền mặt nên không có số liệu chính xác về giải ngân bao nhiêu và nợ bao nhiêu. Tuy nhiên, bị cáo Dung cho biết, các khoản vay ở Ngân hàng SCB tới thời điểm vụ án xảy ra là đều đã tới hạn.
Luật sư hỏi bị cáo Dương Tấn Trước (cựu Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt) về chênh lệch trong việc định giá liên quan đến Dự án Mũi Đèn Đỏ với trị giá 180.000 tỷ đồng và định giá của Công ty Hoàng Quân chỉ hơn 7.000 tỷ đồng. Bị cáo Trước từ chối trả lời vì cho rằng mình không liên quan đến Ngân hàng SCB, chỉ có quan hệ với bị cáo Trương Mỹ Lan nên chỉ đọc phần liên quan đến mình trong cáo trạng, kết luận chứ không đọc gì thêm.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (bào chữa cho bị cáo Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB) hỏi Trương Mỹ Lan về cáo buộc chỉ đạo các bị cáo Trần Thị Mỹ Dung và Trương Khánh Hoàng rút tiền tại Ngân hàng SCB, rồi thông báo cho Bùi Anh Dũng ký chuyển tiền vào tài khoản của bị cáo Lan và tài khoản của Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, bị cáo Trương Mỹ Lan phủ nhận cáo buộc này.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu tiếp tục hỏi Trương Mỹ Lan lý do chọn Bùi Anh Dũng làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB. Trương Mỹ Lan khẳng định, bị cáo không phải là người đưa ra quyết định bổ nhiệm hay có tác động trong việc bổ nhiệm Bùi Anh Dũng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu đọc lại lời khai của Trương Mỹ Lan tại cơ quan điều tra, trong đó có ghi bị cáo nói do ông Dũng hiền lành nên bổ nhiệm. Bị cáo Lan lý giải, người đưa ra quyết định bổ nhiệm bị cáo Dũng là Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB, đã bỏ trốn). Sau đó, bị cáo Thành có chia sẻ với Lan lý do bổ nhiệm là do thấy Dũng hiền lành; chứ Lan không quen biết, không tiếp cận Dũng.
Tiếp đó, luật sư Hậu nêu, bị cáo Dũng có bản tường trình gửi cơ quan điều tra ghi rằng, vào dịp Tết năm 2020, Trương Mỹ Lan thưởng cho Bùi Anh Dũng 20 tỷ đồng, đến năm 2021 thưởng tiếp 20 tỷ đồng. Bị cáo Lan xác nhận có gửi tiền thưởng cho Dũng nhưng không nhớ chính xác số tiền.
Bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày, khi đó vợ và con trai của Bùi Anh Dũng đều đang làm việc tại Ngân hàng SCB. Do đó, Đinh Văn Thành có nhờ Lan khuyên Dũng “xem lại” vì cả gia đình cùng làm chung sẽ có điều tiếng không tốt. Lan sau đó đề xuất Dũng cho vợ nghỉ việc và Lan sẽ cho tiền ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, Lan không nhớ đã cho bao nhiêu.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh, bào chữa cho bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) và bị cáo Dương Tấn Trước (cựu Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt) hỏi Trương Mỹ Lan về số cổ phiếu mà bị cáo thưởng cho nhân viên Ngân hàng SCB. Trong đó, theo cáo trạng, Lan thưởng cho Hoàng 10 triệu cổ phiếu.
Trương Mỹ Lan trình bày, bị cáo thưởng tiền cho nhân viên của Ngân hàng SCB để ghi nhận những đóng góp, cống hiến của họ cho ngân hàng. Lan cho biết, những khoản tiền bị cáo thưởng cho nhân viên đều là tiền cá nhân, không lấy tiền của Ngân hàng SCB. Do đó, những khoản thưởng này không cần thông qua xét duyệt của Hội đồng Quản trị hay Tổng Giám đốc ngân hàng.
Về vấn đề khắc phục hậu quả vụ án, Trương Mỹ Lan cho biết, con gái của bị cáo đang tiến hành bán tòa nhà của gia đình ở Hà Nội để khắc phục hậu quả cho bị cáo trong vụ án.
Đối với 649 tài sản có nguồn gốc của bị cáo chưa được định giá tại Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan khẳng định, bị cáo không gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB nhưng sẵn sàng dùng tài sản của mình để giúp ngân hàng.
Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng trình bày mong muốn được Hội đồng xét xử hỗ trợ liên hệ với các cổ đông nước ngoài có đầu tư cổ phần tại Ngân hàng SCB để họ không hủy ngang cổ phần. Từ đó có thể đảm bảo một phần thu hồi, khắc phục thiệt hại cho Ngân hàng SCB.