Sức khỏe

Cẩn thận khi sử dụng điện thoại, laptop đang sạc pin

Đức Trân 14/03/2024 08:27

Thời gian qua, một số người đã gặp tai nạn do các thiết bị điện tử thông minh như điện thoại, laptop (máy tính xách tay) bất ngờ phát nổ.

bai-chinh.jpg
Bệnh nhân bị đa chấn thương do laptop phát nổ điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: BVCC.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Kom Tum vừa tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân bị dập nát bàn tay phải do điện thoại phát nổ.

Cụ thể, bệnh nhân nữ (13 tuổi) nhập viện trong tình trạng dập nát bàn tay phải, gãy xương ngón tay số 3, 4, 5; đứt gân ngón tay số 5; đa vết thương vùng đùi trái, cẳng tay trái, chảy máu vùng mặt.

BSCKII A Bên - Phó trưởng khoa Ngoại chấn thương (Bệnh viện đa khoa tỉnh Kom Tum) thông tin: “Sau khi phẫu thuật cấp cứu, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, tuy nhiên cần được cấy ghép phần da, nuôi mô mềm đồng thời có nguy cơ hoại tử ngón tay số 5. Hiện tại, bệnh nhân đã được chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương. Bệnh nhân bị chấn thương do điện thoại phát nổ khi đang sử dụng”.

Được biết, đây là trường hợp thứ 2 bị chấn thương do điện thoại phát nổ được ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kom Tum. BS A Bên cho hay: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị 2 bệnh nhân bị chấn thương do điện thoại phát nổ, trong đó 1 trường hợp đứt hoàn toàn ngón tay số 3 bàn tay phải”.

Tại Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng cho biết vừa tiếp nhận cấp cứu bé T.G.P. (nam, 13 tuổi, ở Hải Dương) từ tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng hôn mê, thở máy. Toàn bộ vùng đầu, mặt, cổ và một nửa ngực của bệnh nhi đầy vết thương do các mảnh vỡ của laptop găm vào.

Sau khi được phẫu thuật cấp cứu, người bệnh được theo dõi, hồi sức tích cực tại khoa Hồi sức tích cực I, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

TS.BS Nguyễn Xuân Hòa cho biết, hàng năm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thường xuyên ghi nhận các ca tai nạn sinh hoạt do việc sử dụng thiết bị điện tử không đúng cách. Dù không thường xuyên xảy ra, vẫn có khá nhiều trường hợp các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng hay laptop… bất ngờ phát nổ khi đang sử dụng, đang cắm sạc hoặc thậm chí khi không ai đụng đến.

Có rất nhiều lý do khiến điện thoại hay máy tính bảng bốc cháy, phát nổ, nhưng nguyên nhân chủ yếu liên quan đến lỗi pin trên thiết bị. Các thiết bị di động ngày nay, từ điện thoại thông minh, máy tính bảng đến laptop… đều được trang bị pin công nghệ lithium-ion, trong đó, lithium là một chất dễ cháy và có thể nổ khi tiếp xúc với không khí, đặc biệt là nước.

Nếu pin sử dụng lâu ngày dẫn đến xuống cấp, hoặc xảy ra sự cố trong quá trình sử dụng, như thiết bị rơi, vỡ… có thể làm cho vỏ bọc pin bị hỏng, khiến các thành phần bên trong pin bay hơi, tiếp xúc với không khí sẽ dẫn đến hỏa hoạn.

Một nguyên do phổ biến khác có thể khiến pin trên điện thoại thông minh bốc cháy hoặc phát nổ, đó là nhiệt độ cao. Nếu nhiệt độ thiết bị tăng cao trong quá trình sạc hoặc sử dụng liên tục có thể tạo ra một phản ứng dây chuyền trên pin, kết quả cuối cùng là pin bắt lửa hoặc phát nổ.

Do vậy, người dùng cần thường xuyên kiểm tra tình trạng pin trên điện thoại của mình để thay pin kịp thời trước khi bị hư hỏng, có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Cần sử dụng pin từ các nhà sản xuất uy tín và được bảo hành chính hãng, đồng thời, không dùng các thiết bị điện tử trong khi đang sạc pin. Không nên sử dụng máy tính và các thiết bị điện tử quá cũ, có nguy cơ hỏng hóc cao.

Đặc biệt, tuyệt đối không vừa sử dụng điện thoại vừa cắm sạc vì đây là một hành động nguy hiểm, khi điện thoại có thể bị rò điện hoặc phát nổ.

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Luyện – nguyên cán bộ Viện Vật lý kỹ thuật (ĐH Bách Khoa Hà Nội), với laptop đã từng có nhiều vụ cháy nổ xảy ra. Để tránh laptop phát nổ khi sử dụng, người dân nên để ý pin trong máy có bị phồng hay quá nhiệt? Laptop có hiện tượng lạ như phần sạc chập chờn, có mùi khét. Hạn chế vừa dùng vừa cắm sạc với những dòng laptop cũ không hỗ trợ vì không chỉ khiến nhanh chai pin mà còn dễ chập điện, giật điện, gây cháy nổ.

Đức Trân