Cho phép cơ sở giáo dục đại học tại Hà Nội được thành lập doanh nghiệp
Cho phép cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn Thành phố được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.
Ngày 14/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô sửa đổi. Tham dự phiên họp về phía lãnh đạo Hà Nội có: Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn.
Tại phiên họp, báo cáo về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo các quy định của một số luật và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung 2 nội dung mới trong nguyên tắc áp dụng pháp luật theo hướng: Xác định rõ trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề và quá trình triển khai áp dụng quy định này sẽ thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô nhưng việc áp dụng lại chưa được quy định cụ thể trong luật, nghị quyết đó thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ (khoản 3).
Đặc biệt, để khắc phục vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Luật Thủ đô năm 2012 và một số nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương hiện đang được triển khai, dự thảo Luật quy định: trường hợp có sự khác nhau giữa văn bản quy định chi tiết hoặc văn bản ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao theo quy định của Luật Thủ đô với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản quy định chi tiết, văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô. (khoản 4).
Về các biện pháp, giải pháp thu hút, huy động nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, ông Tùng thông tin: Trên cơ sở 9 nhóm chính sách do Chính phủ trình, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung, biện pháp cụ thể nhằm thu hút, huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển Thủ đô.
Cụ thể, cho phép cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu đó (doanh nghiệp khởi nguồn). Viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp khởi nguồn khi được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu (khoản 4 Điều 23).
Bổ sung, làm rõ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát theo hướng thành phố Hà Nội có thẩm quyền cho phép tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới khi đáp ứng các điều kiện nhất định (Điều 25).
Mở rộng các lĩnh vực mà HĐND Thành phố được quy định mức tiền phạt cao hơn và áp dụng trên địa bàn toàn Thành phố, không phân biệt nội thành, ngoại thành (khoản 2 Điều 33); quy định về biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết, đồng thời xác định cụ thể, chặt chẽ điều kiện, phạm vi áp dụng và giao HĐND Thành phố quy định chi tiết việc thực hiện (Điều 33).
Bổ sung, làm rõ hơn một số chính sách huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho thành phố Hà Nội như NSTW trích 30% của số tăng thu để thưởng cho ngân sách Thành phố; bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố toàn bộ số tăng thu (sau khi trích thưởng) với điều kiện NSTW không hụt thu; cho giữ lại toàn bộ phần NSTW được hưởng theo tỷ lệ phân chia khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố Hà Nội (Điều 34).
Cho phép thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng NSNN để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ (Điều 36).
Bổ sung và làm rõ hơn cơ chế cho Hà Nội thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 39); xác định rõ cơ chế, phạm vi của cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp trong việc quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng thông qua việc nhượng quyền kinh doanh, quản lý và cho thuê, liên doanh, liên kết (Điều 41).