Văn hóa

Hội tụ văn hóa vùng cao tại Lễ hội Võ Nhai nơi cội nguồn

Thành Vân 14/03/2024 11:47

Nhiều chương trình đặc sắc, mang đậm nét văn hóa các dân tộc vùng cao hứa hẹn sẽ xuất hiện tại Lễ hội Võ Nhai nơi cội nguồn năm 2024. Đây là sự kiện được huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên tổ chức trong hai ngày 15 - 16/3/2024.

Ngày 13/3, trong khuôn khổ các hoạt động trước lễ hội, huyện Võ Nhai đã tổ chức Liên hoan văn nghệ các dân tộc thiểu số lần thứ VII với chủ đề “Võ Nhai - Hương sắc vùng cao”.

Tham dự Liên hoan có gần 300 diễn viên, nghệ nhân của 15 đoàn đến từ các xã, thị trấn trong huyện với 45 tiết mục phản ánh những nét đặc trưng, tiêu biểu, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc huyện vùng cao Võ Nhai.

Theo kế hoạch, tại Lễ hội Võ Nhai nơi cội nguồn, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động đặc sắc như: Trại văn hóa, chợ quê, đốt lửa trại, múa sạp, liên hoan văn nghệ các dân tộc thiểu số... Bên cạnh đó là các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian như: tung còn, bịt mắt bắt vịt, kéo co, bắn nỏ…

Một trong những nét mới của lễ hội năm nay là du khách sẽ được trải nghiệm Chợ 4.0 – thanh toán không dùng tiền mặt tại các gian hàng trong khu vực chợ quê. Ngoài ra còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ hấp dẫn nhằm quảng bá du lịch và giới thiệu tiềm năng của huyện Võ Nhai.

W_0a9c73cd770adb54821b.jpg
Khu vực hội trại của các đoàn tham dự Lễ hội Võ Nhai nơi cội nguồn. Ảnh: Thành Vân.

Được tổ chức lần đầu tiên năm 2014, "Võ Nhai nơi cội nguồn" là lễ hội văn hóa có quy mô lớn nhất của địa phương và được tổ chức hằng năm. Từ năm 2023, Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn hơn, góp phần mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho vùng cao Võ Nhai.

Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên với 8 dân tộc anh em cùng chung sống. Địa phương này là mảnh đất khởi thủy của loài người, là cái nôi của cách mạng Việt Nam.

Đáng chú ý là Di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm (xã Thần Sa) - nơi cư trú của người Việt cổ. Hố khai quật của Di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm cho thấy địa tầng có 4 tầng văn hoá khảo cổ. Những di vật đá đặc trưng của nền văn hoá Bắc Sơn, Hoà Bình, Sơn Vi nằm ở tầng 1, tầng 2; ở tầng 3 thuần các công cụ đặc trưng của Ngườm. Và ở tầng văn hoá thứ 4 là hàng vạn công cụ đá. Những phát hiện khảo cổ học ở nơi đây đã giúp các nhà khảo cổ học xác định được: Ở Thần Sa, ở Việt Nam có một nền văn hoá khảo cổ đá cũ (văn hoá Thần Sa).

Do có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học, vị trí đặc biệt trong việc tìm hiểu về lịch sử tiến hoá của con người nguyên thuỷ trên đất Việt Nam nói riêng và cả vùng Đông Nam Á lục địa nói chung, khu di tích khảo cổ học Thần Sa được Nhà nước xếp hạng Quốc gia từ năm 1982.

Thành Vân