Xã hội

Đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Lê Bảo (ghi) 15/10/2023 17:47

Theo ông Điều Bá Được, nguyên Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), sau hơn 7 năm thi hành, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã đi vào cuộc sống. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Vì vậy, việc sửa đổi Luật BHXH là cần thiết.

Như ông đã nói, việc sửa đổi Luật BHXH là cần thiết, vậy ông có thể cho biết lý do cụ thể không thưa ông?

Ông Điều Bá Được: Như chúng ta đã thấy, sau hơn 7 năm thi hành, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã đi vào cuộc sống. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Đó là Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế-xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới.

duoc.jpg
Ông Điều Bá Được phát biểu tại một Hội thảo về việc sửa đổi Luật BHXH

Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ bảo hiểm xã hội tăng chậm; số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng nhanh. Bên cạnh đó, tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi bảo hiểm xã hội chậm được khắc phục. Chế độ bảo hiểm hưu trí cũng bộc lộ những điểm hạn chế, bất cập có thể nhìn thấy rõ.

Cụ thể như: Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được nhận lương hưu là từ đủ 20 năm là khá cao so với các nước trên thế giới. Đối với người bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì thời gian chờ đến khi đủ tuổi để được nhận lương hưu là quá dài, có người phải chờ đến 20 năm. Quy định này khiến cho người lao động không đủ kiên nhẫn chờ đến khi đủ tuổi để nhận lương hưu. Bên cạnh đó, mức hưởng lương hưu thấp do số tiền thực đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất thấp hơn số tiền thu nhập thực tế người lao động nhận được trong khi còn làm việc

Từ các lý do nêu trên, tôi cho rằng, cần thiết phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, đồng thời bảo đảm khả năng chi trả bền vững của Quỹ Bảo hiểm xã hội trong dài hạn.

Theo ông, những đề xuất về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện trong Luật Bảo hiểm xã hội ( sửa đổi) lần này, liệu đã đủ hấp dẫn để thu hút người lao động tích cực tham gia chưa? Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nên quy định như thế nào để thu hút thêm lực lượng lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội?

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong giai đoạn trước năm 2019, bình quân số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng khoảng từ 20% đến 30% so với năm trước và bắt đầu tăng mạnh từ năm 2019.

Cụ thể, năm 2019, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt hơn 558.000 người, gấp 2 lần so với năm 2018, bằng cả 11 năm trước cộng lại. Năm 2020 số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt hơn 1,12 triệu người, gần gấp đôi so với số tham gia năm 2019 và bằng khoảng 12 năm trước cộng lại, đạt 2,28% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, vượt chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra.

Tuy nhiên, để đạt bao phủ 60% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội và 60% người cao tuổi có lương hưu vào năm 2030, cần có những giải pháp cải cách mạnh mẽ.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chưa có nước nào thành công trong phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện. Việt Nam sẽ không là ngoại lệ. Do vậy, một mặt, chúng ta cần sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để tăng độ hấp dẫn thu hút người dân tham gia, đặc biệt là lao động ở khu vực phi chính thức.

Mặt khác, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã chỉ rõ định hướng: mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác hướng tới chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết. Theo tinh thần này, các nhóm đối tượng chưa được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã được vào diện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Bao gồm các nhóm như: chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố... Như vậy, theo tôi, ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải nghiên cứu để đưa nhóm lao động tự tạo việc làm (không đi làm thuê cho ai, không thuê người làm cho mình; chẳng hạn như: thợ cắt tóc, làm đẹp, thợ sửa chữa các loại, buôn bán nhỏ…) có nơi làm việc ổn định, có thu nhập tương đối ổn định, không trái với quy định của pháp luật sẽ thuộc nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Bảo (ghi)